Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ không chỉ đẩy quan hệ song phương lên một nấc thang mới mà còn góp phần cải thiện quan hệ giữa Mỹ và khu vực Mỹ Latin vốn đang rạn nứt trong nhiều năm qua.

Đòn bẩy cho đầu tư, thương mại

Bất chấp sự phản đối được dự báo trước của chính giới Mỹ, đặc biệt phe Cộng hòa, chuyến thăm của ông Obama đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của giới doanh nghiệp Mỹ với sự góp mặt của đại diện một số tập đoàn lớn trong đoàn tháp tùng ông Obama.

Khách du lịch đứng phía sau tấm biển có hình Chủ tịch Cuba Raul Castro (trái) và Tổng thống Mỹ Obama nhân chuyến thăm lịch sử của ông Obama đến Cuba. Ảnh AFP

Các công ty nông sản Mỹ coi đây là sự kiện bước ngoặt để giành lại thị phần đã mất tại Cuba nhờ lợi thế về chất lượng và giá thành sản phẩm cũng như chi phí vận tải thấp.

Chỉ cách Cuba 150 km đường biển, Mỹ từng là nhà cung cấp số 1 cho quốc đảo này về các loại nông sản như gạo, bột mỳ và ngô. Hiện nay, Cuba phải nhập khẩu tới 80% lương thực với trị giá khoảng 2 tỷ USD hàng năm.

Theo ước tính, xuất khẩu nông sản của Mỹ sang Cuba có thể đạt 1,2 tỷ USD nếu các hạn chế về tài chính và thương mại mà Quốc hội Mỹ đang áp đặt được dỡ bỏ.

Các doanh nghiệp du lịch Mỹ cũng rất trông chờ vào đòn bẩy từ chuyến thăm này, khi trước đó hai nước đã nhất trí nối lại các chuyến bay thương mại, trong khi các doanh nghiệp viễn thông cũng tìm cách đi trước một bước để chiếm lĩnh thị trường internet tại đây trước sự cạnh tranh của các đối thủ nước ngoài.

Chỉ một ngày trước chuyến thăm, tập đoàn khách sạn nổi tiếng Starwood của Mỹ đã ký một hợp đồng đầu tư trị giá nhiều triệu USD với Cuba theo một giấy phép đặc biệt được Bộ Tài chính Mỹ cấp. Lượng du khách Mỹ tới Cuba đã tăng 77% kể từ khi Mỹ nới lỏng một số hạn chế với Cuba trong năm 2015.

Theo nhận định của giới quan sát, nếu chuyến thăm có thể mang lại những kết quả tích cực trong hợp tác đầu tư, thương mại và du lịch thì đây sẽ là nền tảng để Mỹ và Cuba mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác như an ninh, chống ma túy, nghiên cứu biển…dù sẽ phải mất nhiều thời gian do hai nước vẫn chưa bình thường hóa hoàn toàn quan hệ. 

Tạo lợi thế cho Đảng Dân chủ trong bầu cử Tổng thống

Chuyến thăm của Tổng thống Obama cũng sẽ mang lại lợi thế không nhỏ cho ứng cử viên Đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng vào tháng 11 tới. Trên thực tế thì khối cử tri Mỹ quan tâm nhất tới quan hệ Mỹ-Cuba chính là những người gốc Cuba.

Không như các cộng đồng thiểu số khác vốn sống rải rác trên khắp nước Mỹ, cộng đồng người Mỹ gốc Cuba chủ yếu tập trung tại Florida, một trong những bang lớn nhất và đóng vai trò quyết định đối với bầu cử Tổng thống trong nhiều thập kỷ qua.

Cũng như Tổng thống Ronald Regan những năm 1980 đã biến cộng đồng người Cuba lưu vong thành lãnh địa bất khả xâm phạm của Đảng Cộng hòa trong các cuộc bầu cử nhờ chính sách cứng rắn với Cuba, Tổng thống Obama đang tạo nên một làn sóng mới ủng hộ Đảng Dân chủ tại Florida với chính sách mềm mỏng và thân thiện hơn với nước láng giềng.

Sự thay đổi chính sách của ông Obama, dù gây mất lòng đối với nhóm cử tri lớn tuổi người Mỹ gốc Cuba vốn vẫn còn bất mãn và định kiến sâu sắc với chính quyền Havana, nhưng lại nhận được sự ủng hộ của giới trẻ, những người gần như không vướng mắc gì với quá khứ. Đây là điều có ý nghĩa rất quan trọng do nhóm cử tri Mỹ gốc Cuba thế hệ thứ 3 này hiện đang chiếm số đông so với các thế hệ đi trước.

Tổng thống Obama đã nhận rõ xu hướng này và liên tục thành công. Trong 2 cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2008 và 2012, ông Obama đều chiến thắng tại chiến địa quan trọng Florida.

Theo một số kết quả thăm dò ý kiến, có tới 90% cử tri trẻ người Mỹ gốc Cuba ủng hộ bình thướng hóa quan hệ giữa hai nước, trong khi số lượng cử tri gốc Cuba ủng hộ Đảng Cộng hòa đã giảm xuống 47% so với 64% cách đây một thập kỷ.  

Tạo đà cải thiện quan hệ với khu vực Mỹ Latin

Quan hệ Mỹ-Cuba không chỉ đơn thuần là vấn đề song phương giữa hai nước mà có thể coi là tấm gương phản chiếu chính sách của Mỹ đối với các nước theo phong trào cánh tả trong khu vực Mỹ Latin. Cho tới nay thì chính sách cấm vận đối với Cuba chính là rào cản lớn nhất trong quan hệ giữa Mỹ và các nước Mỹ Latin, khiến Mỹ trở nên lạc lõng trong khu vực.

Chuyến thăm lần này là bước đi quan trọng tiếp theo trong tiến trình bình thường hóa quan hệ với Cuba mà ông Obama đang tích cực thúc đẩy thông qua chính sách tương tác và khuyến khích, thay vì các biện pháp mang tính áp đặt và can thiệp mà Mỹ sử dụng không chỉ đối với Cuba mà còn một số quốc gia khác trong nhiều năm qua.

Quan hệ ấm lên với Cuba sẽ tạo cơ hội để Mỹ có cách tiếp cận hiệu quả hơn trong vấn đề Venezuela, nước đang rơi vào khủng hoảng chính trị và kinh tế, qua đó tiếp tục gây ảnh hưởng tới các quốc gia Mỹ Latinh khác vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn dầu mỏ của Venezuela.

Nhưng dù thế nào thì thay đổi chính sách của Mỹ cũng đều không nằm ngoài mục đích cuối cùng là duy trì ảnh hưởng, hay nói cách khác, là giữ cho Mỹ Latin tiếp tục là “sân sau” an toàn của Washington.

Trở ngại còn nhiều

Để mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba tiếp tục đi đúng hướng như mong muốn thì một chuyến thăm 2 ngày rưỡi không thể giải quyết được mà cần một tiến trình lâu dài. Với Cuba thì vấn đề lớn nhất hiện nay là lòng tin giữa hai nước vẫn chưa đủ vững chắc.

Ngay trước thềm chuyến thăm của ông Obama, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez khẳng định vấn đề cải cách chính trị và kinh tế ở nước này sẽ không nằm trong chương trình nghị sự của cuộc hội đàm giữa lãnh đạo hai nước.

Về phía Mỹ thì diễn biến chính sách đối với Cuba sẽ phụ thuộc nhiều vào ai sẽ là Tổng thống nhiệm kỳ tới, khi mà quan điểm về Cuba của ứng cử viên các Đảng vẫn còn khá khác biệt.

Trong khi phe Dân chủ mong muốn tiếp nối thành quả của ông Obama thì các ứng cử viên của Đảng Cộng hòa hoặc phản đối hoặc chưa có chính sách cụ thể đối với quốc đảo này.

Hơn nữa, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận mà Mỹ áp đặt đối với Cuba trong hơn 50 năm qua, một trở ngại vô cùng lớn trong quan hệ song phương, sẽ không thể thực hiện trong một sớm một chiều khi Đảng Cộng hòa vốn luôn cứng rắn với Cuba lại là phe có tiếng nói quyết định trong Quốc hội Mỹ hiện nay./.

Theo VOV