Trong bối cảnh Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ đưa ra cam kết về việc áp dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục tiến hành các hoạt động quân sự hóa tại khu vực đảo có tranh chấp và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn vận động tranh cử quyết liệt, trang tin Geopoliticalmonitor chuyên cung cấp các bài phân tích, bình luận về các tình huống và sự kiện quốc tế có tác động lớn đến các vấn đề chính trị, quân sự và kinh tế đã đăng bài viết kêu gọi Tổng thống Mỹ kế nhiệm nên tăng cường mối quan hệ hợp tác với ASEAN trong giải quyết vấn đề Biển Đông.
Theo bài viết, trong ngày cuối cùng diễn ra Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ, Tổng thống Barack Obama và các nhà lãnh đạo cấp cao của ASEAN đã đưa ra cam kết về việc giảm căng thẳng tại Biển Đông và tìm kiếm các biện pháp ngăn chặn các nguy cơ xung đột có thể xảy ra trong tương lai.
Tuyên bố chung của hội nghị còn được gọi là “Tuyên bố Sunnylands” đã kêu gọi tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của mỗi quốc gia và các quy định của luật pháp quốc tế.
Hội nghị cũng đã đánh dấu những nỗ lực đáng kể của chính quyền Tổng thống Obama sau 7 năm thực hiện chiến lược “tái cân bằng ở châu Á” đồng thời thúc đẩy việc thực thi các quy định pháp luật quốc tế về đất liền và biển.
Tuy nhiên, bài viết cho rằng, hiện nay, sự gắn kết của ASEAN đang chịu thách thức bởi những tham vọng của Trung Quốc tại khu vực và các hành động quyết đoán của nước này ở các khu vực đang có tranh chấp ở Biển Đông.
Trong tuyên bố kết thúc hội nghị, ông Obama nhấn mạnh: “Chúng ta đã thảo luận những bước đi thực chất nhằm giảm căng thẳng ở khu vực Biển Đông, bao gồm cả việc ngừng tiến hành các hoạt động tôn tạo, xây dựng các công trình mới và các hoạt động quân sự hóa tại các khu vực có tranh chấp. Tôi nhắc lại rằng Mỹ sẽ tiếp tục cho máy bay, tàu thuyền tiến hành các hoạt động tại những nơi pháp luật quốc tế cho phép và Mỹ sẽ ủng hộ tất cả các quốc gia thực thi quyền này.”
Các trưởng đoàn tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ chụp ảnh chung. Ảnh: Straitstimes. |
Bên cạnh vấn đề an ninh hàng hải tại Biển Đông, thương mại cũng là chủ đề hàng đầu tại hội nghị và ông Obama cũng đã đưa ra một số sáng kiến mới trong đó có chương trình “kết nối Mỹ-ASEAN,” theo đó Mỹ sẽ thiết lập các “trung tâm” tại khu vực để kết nối các doanh nghiệp và doanh nhân với nhau.
Một điều rõ ràng là sự can dự của Mỹ đối với châu Á là không thể thay đổi ngay cả trước hoặc sau khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 11 tới đây. Tuy nhiên còn rất nhiều điều nan giải.
Hiện Trung Quốc nổi lên như một thị trường lớn nhất cho xuất khẩu của ASEAN. Trong sự kinh ngạc của Phố Wall và các nền kinh tế lớn nhất của ASEAN, bất ổn tài chính tại Trung Quốc cũng đã làm rung chuyển các nền kinh tế mới nổi trong khu vực và làm xói mòn niềm tin vào các vấn đề chung về kinh tế và an ninh.
Việc Bắc Kinh thực thi yêu sách chủ quyền chiếm tới hơn 80% diện tích Biển Đông, nơi hàng năm có lượng hàng hóa trị giá lên tới 5.000 tỷ USD được vận chuyển qua, đã trực tiếp gây ra mâu thuẫn với các bên tranh chấp, nhất là Việt Nam và Philippines.
Trong hai năm qua, Trung Quốc đã bồi đắp hơn 12 km2 ở Biển Đông và xây dựng các cơ sở quân sự ở đó.
Mỹ cũng đã thể hiện quan điểm rất rõ ràng đối với lãnh đạo các nước ASEAN rằng nước này không bao giờ chấp nhận các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và châu Á-Thái Bình Dương Daniel R. Russel cho rằng “Hội nghị thượng đỉnh ASEAN không phải nhằm vào Trung Quốc” mà là để đưa ra các cam kết về một cộng đồng ASEAN công bằng và tuân thủ các quy định.
Để khẳng định vai trò tại khu vực, Mỹ cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa và cần có những hành động thiết thực và hiệu quả hơn nữa đối với các hành động bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, nhất là các hoạt động tôn tạo với quy mô lớn của Trung Quốc nhằm xây dựng các đảo nhân tạo và các hoạt động quân sự hóa của nước này tại đây.
Nhiều phát biểu từ Bộ Ngoại giao và Bộ quốc phòng Mỹ cũng khẳng định những lợi ích căn bản của Mỹ tại khu vực trong việc đảm bảo sự ổn định, tự do hàng hải, tự do thương mại và thúc đẩy quyền con người là không thay đổi.
Việt Nam, Brunei, Philippines và vùng lãnh thổ Đài Loan ngoài ASEAN đều có tuyên bố về chủ quyền tại Biển Đông.
Khi Trung Quốc áp đặt yêu sách chủ quyền đối với cái gọi là “đường chín đoạn”, Việt Nam và Philippines muốn có sự hỗ trợ của Mỹ để đối phó lại các hoạt động phi pháp của Trung Quốc; Myanmar, Lào và Campuchia không muốn liên quan đến sự việc; trong khi các nước ASEAN khác lại lựa chọn im lặng để đối phó với tình hình.
Dường như chủ nghĩa thực dụng đã chiếm ưu thế, các nhà lãnh đạo ASEAN chỉ đưa ra được sự đồng thuận về phản ứng tránh đối đầu với Trung Quốc.
Định hướng chính sách chiến lược giữa Mỹ và ASEAN cần lôi kéo sự tham gia của Trung Quốc vào bức tranh khu vực phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và đối thoại chính trị, an ninh.
Không có gì ngạc nhiên khi nhiều hiệp hội doanh nghiệp cũng đã có mặt tại hội nghị thượng đỉnh để tìm kiếm lợi ích từ TPP. Hội đồng danh nghiệp Mỹ-ASEAN (US-ABC) tin rằng TPP sẽ giúp người Mỹ được hưởng lợi và tăng cường lợi ích quốc gia của Mỹ.
Mặc dù các điều khoản của Hiệp định TPP đã hoàn thành nhưng vẫn còn nhiều việc cần phải làm để thông qua tại các quốc gia thành viên. Một phần nhiệm vụ của hội nghị thượng đỉnh lần này là để thu hút các nước có vai trò quan trọng khác tại ASEAN như Indonesia tham gia vào TPP.
Đàm phán TPP tạo cho Mỹ cơ hội tăng cường các mối liên kết kinh tế với khu vực châu Á, trước khi 16 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương (gồm 10 quốc gia ASEAN, Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Australia - không bao gồm Mỹ) ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đại diện cho khu vực thương mại 10 tỷ USD, chiếm gần 30 % thương mại thế giới và 50 % dân số thế giới.
Mặc dù các công ty đa quốc Mỹ đều lạc quan về TPP nhưng nhiều vấn đề liên quan đến các điều khoản cụ thể của TPP vẫn cần được giải quyết. Một số chuyên gia chính sách thương mại Washington nghi ngờ rằng có thể sau cuộc bầu cử vào tháng 11, Quốc hội mới có thể thông qua TPP.
Phía sau “Trại David”, các nhà lãnh đạo cấp cao của Mỹ cũng đã nhiều lần bày tỏ sự quan ngại về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Vấn đề đặt ra với Mỹ là làm thế nào để đối phó lại sự trỗi dậy của Trung Quốc cùng phạm vi ảnh hưởng ngày càng tăng của nước này với tham vọng biến ASEAN thành sân chơi riêng, đồng thời thông qua các cuộc “tấn công quyến rũ” nhằm làm mờ đi sự phản đối của các bên có tranh chấp và các nước khác đối với các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ảnh vệ tinh cho thấy trước và sau khi Trung Quốc triển khai tên lửa ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: CNN |
Trong những năm gần đây, uy tín trong khu vực của Trung Quốc đã dần bị xói mòn do các hành động quyết đoán của nước này ở Biển Đông. Nhiều nước ASEAN đã tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với các nước lớn khác ngoài khu vực, nhất là với Mỹ. Đây là xu hướng nhằm đối phó lại việc Trung Quốc không ngừng tiến hành các hoạt động tôn tạo đảo tại các khu vực có tranh chấp.
Ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á đồng thời là chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở đặt tại Washington cho rằng sự quyến rũ ngoại giao và củ cà rốt kinh tế mà Trung Quốc đưa ra đã không còn đủ sức hấp dẫn để có thể lấp đi những hậu quả do các hành động của nước này gây ra.
Theo truyền thông nhà nước của Trung Quốc, nước này đã cung cấp các khoản vay và viện trợ trị giá hơn 3 tỷ USD cho Campuchia, Việt Nam, Myanmar, Thái Lan và Lào để cải thiện cơ sở hạ tầng sản xuất và chống đói nghèo.
Để đánh lạc hướng về các hành động hung hăng tại Biển Đông, Trung Quốc đã ru ngủ các nước bằng những đề xuất về các dự án cơ sở hạ tầng lớn tại khu vực, cố gắng đề cập nhiều hơn tới khía cạnh hợp tác với các nước láng giềng sau nhiều tháng căng thẳng về vấn đề lãnh thổ và các vấn đề khác.
Với các hành động đó, Trung Quốc dường như đã thành công trong việc thuyết phục Malaysia không lên tiếng tố cáo Bắc Kinh một cách mạnh mẽ.
Các lãnh đạo Việt Nam như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã hoan nghênh việc công bố quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-ASEAN và Sáng kiến an ninh hàng hải Đông Nam Á, mà thông qua đó Washington sẽ hỗ trợ Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam trong việc xây dựng năng lực hàng hải.
Năm ngoái, Việt Nam và Mỹ đã tổ chức kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và Tổng thống Mỹ Obama cũng vừa nhận lời sẽ sang thăng chính thức Việt Nam vào tháng 5, điều này chứng minh Washington luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam như một đối tác chiến lược.
Cuộc tấn công quyến rũ hiện đối mặt với không ít khó khăn. Nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á ngày càng nghi ngờ về ý đồ của Trung Quốc. Bên cạnh đó, các cuộc tấn công quyến rũ tự nó không thể áp dụng hiệu quả được với tất cả các nước láng giềng của Trung Quốc.
Trong năm qua, những phản đối từ Mỹ, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam ngày càng gia tăng đối với các hoạt động của Trung Quốc liên quan đến việc cải tạo, lắp đặt quân sự và gần đây nhất là việc triển khai hệ thống tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam).
Dù kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thuộc về đảng nào đi nữa, vị tân Tổng thống nên tăng cường các mối quan hệ của Mỹ ở châu Á, đặc biệt là với các đối tác chiến lược như Việt Nam và Philippines. Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh hiện nay khi mà các chính sách của Trung Quốc đang gây tổn hại lợi ích của tất cả các quốc gia, kể cả với chính Trung Quốc.
Tuy nhiên, Washington vẫn cần sự hợp tác tích cực từ phía Bắc Kinh để giải quyết nhiều vấn đề khu vực. Đó là điều không thể phủ nhận.
Hãy xem chiến lược ngoại giao châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ sẽ được thể hiện như thế nào trong trong các hoạt động vận động tranh cử cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11 tới./.
Theo Vietnam+