Một chuyên gia của OPCW đang thu thập mẫu thử. Ảnh: Ynetnews |
Một nguồn tin từ Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) khẳng định rằng, các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm đã cho kết quả dương tính với mù tạt lưu huỳnh, sau khi khoảng 35 dân quân người Kurd có triệu chứng ngộ độc trên chiến trường hồi cuối tháng 8 năm ngoái.
OPCW sẽ không xác định người sử dụng các tác nhân hóa học, nhưng một nhà ngoại giao giấu tên cho biết, kết quả cho thấy vũ khí hóa học đã được sử dụng bởi các chiến binh cực đoan Nhà nước Hồi giáo.
Các mẫu thử được thực hiện sau khi các binh sĩ bị bệnh trong cuộc chiến chống IS ở tiểu bang phía tây nam của Erbil, thủ phủ của khu vực người Kurd tự trị ở Iraq.
Hồi tháng 10/2015, OPCW cũng đã xác nhận khí mù tạt được sử dụng ở nước láng giềng Syria. Lực lượng IS đã tuyên bố "đế chế Hồi giáo" trong lãnh thổ mà chúng kiểm soát ở cả Iraq và Syria và không công nhận biên giới.
Vấn đề này dự kiến sẽ được đưa ra tại cuộc họp tiếp theo của Hội đồng điều hành gồm 41 thành viên của OPCW trong tháng tới, một quan chức cho biết.
Nếu IS thực sự sử dụng vũ khí hóa học, thì các chuyên gia hiện vẫn chưa nắm được nhóm này thu giữ vũ khí khoá học bằng cách nào, và liệu chúng có khả năng tiếp cận thêm nhiều nguồn nữa hay không. Trong khi đó, một nhà ngoại giao giấu tên khác cho rằng, kho dự trữ của Syria có thể là một nguồn khai thác khí mù tạc được sử dụng tại Iraq. Điều đó có nghĩa là Damascus đã không tiết lộ đầy đủ chương trình vũ khí hóa học của mình, vốn đã bị tháo dỡ dưới sự giám sát quốc tế trong năm 2013-2014, nhà ngoại giao này cho biết.
Các quan chức Syria không thể ngay lập tức đưa ra bình luận, nhưng phủ nhận vẫn còn bất cứ phần nào trong kho dự trữ của đất nước chưa bị phá huỷ.
Syria đồng ý từ bỏ kho vũ khí hóa học của nó sau khi hàng trăm người thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng khí độc Sarin ở ngoại ô Damascus vào năm 2013. Các nước phương Tây cáo buộc vụ tấn công này của chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad, mặc dù phía Tổng thống Assad kiên quyết phủ nhận điều đó.
Khí mù tạt từng được sử dụng trong Thế chiến thứ nhất, gây ra những vết bỏng hóa học trên da, mắt và phổi, và có thể gây chết người, khiến nạn nhân tàn tật, gây ung thư hoặc mù vĩnh viễn.
Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters & Abcnews)