Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận 3 tỷ euro, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp ngăn dòng người di cư đổ tới châu Âu.
Tại Hội nghị thượng đỉnh ngày 29/11 ở Brussels (Bỉ), 28 nhà lãnh đạo EU và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã thể hiện thiện chí chính trị và giải quyết những bất đồng đã tồn tại trong nhiều tuần qua về cuộc khủng hoảng nhập cư.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu (thứ hai từ trái sang) và các nhà lãnh đạo châu Âu tại Brussels ngày 29/11. (Ảnh: Reuters). |
Điểm mấu chốt trong thỏa thuận 2 bên đạt được là khoản tiền 3 tỷ euro Liên minh châu Âu hỗ trợ cho 2,2 triệu người tị nạn Syria đang ở tại Thổ Nhĩ Kỳ. Số tiền sẽ được đầu tư để cải thiện điệu kiện sống của người tị nạn, nhằm giữ chân họ ở lại Thổ Nhĩ Kỳ lâu hơn thay vì phải liều mạng vượt biển tới các đảo của Hy Lạp và Italy để tiến sâu hơn vào châu Âu. Song EU cũng khẳng định sẽ kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng gói hỗ trợ này.
Tại cuộc họp báo chung sau Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho biết số tiền này sẽ không cung cấp trực tiếp cho chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ được giải ngân theo từng giai đoạn, căn cứ vào thiện chí của phía Thổ Nhĩ Kỳ.
“Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng khoản hỗ trợ 3 tỷ euro này. Khoản hỗ trợ này sẽ không được giải ngân mà không có các điều kiện đi kèm. Số tiền phải sử dụng một cách rõ ràng và được quyết định với cùng với sự nhất trí của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu nói.
Theo đó, khoản tiền sẽ được cung cấp thông qua các tổ chức hoạt động vì người tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Một thiết bị theo dõi điện tử sẽ được lắp đặt nhằm kiểm tra xem liệu Thổ Nhĩ Kỳ có tuân thủ các cam kết không.
Không chỉ có khoản hỗ trợ tiền mặt, Thổ Nhĩ Kỳ còn nhận lại trong thỏa thuận này là thị thực, cũng như việc tái khởi động các cuộc đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU. Liên minh châu Âu sẽ nới lỏng thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào các nước EU với dự kiến dỡ bỏ thị thực từ tháng 10/2016.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Davutoglu nhấn mạnh đây là một ngày “lịch sử” khi EU nhất trí hỗ trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề người nhập cư.
Ông Davutoglu cam kết tiến hành các biện pháp để giảm và dừng hẳn làn sóng người nhập cư trái phép: “Chúng tôi sẽ tăng cường quy trình tiếp nhận người tị nạn. Chúng tôi đã đồng ý phối hợp với các nước láng giềng châu Âu trong chiến lược chống lại sự bất ổn và cùng hợp tác giải quyết khủng hoảng di cư. Việc có Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên sẽ là điều có giá trị không chỉ với EU, với Thổ Nhĩ Kỳ mà còn cả nền hòa bình trên toàn cầu”.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí với EU thỏa thuận “lịch sử” này diễn ra trong bối cảnh nước này rơi vào căng thẳng chưa từng có với Nga sau vụ bắn rơi máy bay Su-24 tại Syria vừa qua. Diễn biến này khác hẳn với khoảng cách bất đồng lớn giữa 2 bên trong những tuần trước đây liên quan đến khủng hoảng nhập cư. Thổ Nhĩ Kỳ đang đẩy nhanh quá trình tiến lại gần châu Âu, đặc biệt là nỗ lực gia nhập EU, khi mà các biện pháp trừng phạt mà Nga vừa tuyên bố sẽ gây ra những tổn thất khổng lồ với nước này.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, sẽ còn một số khó khăn, thách thức khi thực hiện thỏa thuận này giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, khi mà các nước không nhất trí được con số cụ thể nào về việc tái định cư ngay lập tức cho một số người tị nạn Syria đến từ Thổ Nhĩ Kỳ tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Đức với một số nhà lãnh đạo châu Âu vài giờ sau Hội nghị thượng đỉnh EU với Thổ Nhĩ Kỳ./.