Một cánh rừng xanh tốt, cây lớn vươn lên bên cạnh chốt giữ rừng của lực lượng tuần tra

“Để giữ được rừng không đơn giản đâu, đổ cả máu”, một người canh rừng ở xã Bình Tiến (TX. Hương Trà) bộc bạch hôm tôi đi cùng cán bộ kiểm lâm tỉnh vào thăm.

“Đêm hôm, mưa gió ngủ lại giữa rừng, không sợ, không buồn sao?”, tôi hỏi.

“À, cũng quen rồi”.

Những người giữ rừng, họ coi chốn thâm sơn cùng cốc, lán trại tạm bợ như nhà mình. Ngày này qua ngày khác, tuần tra giữ rừng, sống mãi rồi cũng quen. Họ thuộc địa hình rừng núi hơn đường làng, ngõ phố. Nhất cử nhất động trong rừng đều được giám sát. Với họ, rừng được bảo vệ tốt là ưu tiên hàng đầu.

Chiếc thuyền chở chúng tôi vượt đập thủy điện Bình Điền vào các chốt trạm thăm anh em giữ rừng. Hai bên bờ, những ngọn cây xanh tốt, vươn mình lên không trung. Lớp thực vật bên dưới xanh ngắt, phủ kín rừng. Đàn trâu của người dân thả vào rừng, ra ven bờ uống nước rồi lại lủi vào trong bụi rậm.

Một vài chốt trực nằm trên gò đất cao, xung quanh là biển nước, như một ốc đảo. Hôm chúng tôi đến, cả trạm chỉ còn một người ở lại. Anh em đi rừng cả. Cuối năm là thời điểm rừng dễ bị xâm hại, không thể lơ là.

Không sóng điện thoại, không tin tức, chẳng ai biết sẽ có đoàn vào thăm. Người trực thấy khách, chạy vội xuống bến đón, rồi lại vội nhen lửa pha trà. “Thôi, trà lá chi, ngồi nói chuyện đi”, một cán bộ kiểm lâm đi cùng nói.

Trên mô đất cao, nhìn ra giữa mênh mông nước, cảnh sắc như bức tranh thủy mặc. Một cây sào cao dựng lên, treo lá cờ Tổ quốc, bay phất phới. Chiếc điện thoại “cục gạch” được buộc vào dây, treo lơ lửng lưng chừng cây, đón sóng. Đó là nơi họ gởi tin đi nếu có điều gì bất trắc.

Những bữa ăn đạm bạc bên ánh sáng leo lét từ đèn dầu. Cuộc sống như thời kỳ đất nước còn khó khăn, nhưng anh em vẫn bám trụ. Rừng xanh, người cũng bình an.

Cuối tháng 3 vừa rồi, tôi lại đi cùng anh em giữ rừng Vườn Quốc gia Bạch Mã, đường đi chừng hơn 5km, nhưng toàn leo dốc đồi cao. Sáng sớm, khi chúng tôi lên đến nơi, mọi người đã đợi sẵn ở bìa rừng. Lương thực gùi theo đủ dùng hai ngày một đêm.

“Đủ sức để đi không”, một người đồng bào là lực lượng giữ rừng hỏi khi thấy dáng tôi khá mỏng.

“Dư sức anh ơi, cứ đi rồi biết”, tôi cười rồi đáp. Anh em kiểm tra lại tư trang rồi men theo đường vào sâu trong rừng.

Quả đồi đầu tiên chúng tôi vượt qua một cách khá trầy trật. Nghỉ dưỡng sức trên đỉnh đồi, một đồng nghiệp ngồi thở dốc rồi bất ngờ xin rút lui, vì theo lời của các anh thì đó chỉ là màn “khởi động”.

Đoàn giảm bớt người, vì một xin rút, một dẫn đường về lại trạm. Những đoạn đường trơn trượt, đồi dốc lộ diện dần. Vừa đi vừa nghỉ, phải mất hơn 3 tiếng, chúng tôi mới vào tận nơi.

Lán được dựng bên một con suối nhỏ, dưới tán những gốc cây cổ thụ. Bếp lửa đỏ lên đã quá trưa, anh em người nấu cơm, người che bạt, mắc võng. Bữa cơm trưa vội được dọn ra, mọi người ngồi quây quần như một gia đình, chuyện trò rôm rả.

Xong bữa, vài người được phân công ở lại dọn dẹp. Một tốp đi sâu vào rừng tuần tra. Con đường mòn dẫn chúng tôi vào rừng. Dọc đường, những thân cây to lớn hiện ra. Tuổi cây kể cũng chừng gần nửa thế kỷ, to vạm vỡ, vươn thẳng lên không trung. Cây này cách cây kia chừng vài ba mét, san sát nhau. Một vài cây già cỗi, đổ xuống mục rỗng, bên cạnh, cây con đã kịp vươn lên. Khu rừng hiện ra với tầng lớn thảm thực vật, rêu phong, đẹp mê lòng người.

Trung Trường Sơn được đánh giá là một trong những nơi có những cánh rừng tự nhiên liền mạch rộng lớn nhất châu Á.

Đây là mái nhà của nhiều loài đặc hữu trong đó có trĩ sao, cầy vằn, thỏ vằn Trường Sơn, sao la, mang lớn, mang Trường Sơn, các loài có giá trị bảo tồn cao như một số gà lôi, vượn chà vá chân xám và đỏ. Có 134 loài động vật có vú và hơn 500 loài chim ở toàn bộ khu vực này. Trung Trường Sơn là một phần của hệ rừng ẩm của dãy Trường Sơn, một trong 200 vùng sinh thái quan trọng cần được bảo tồn trên thế giới. Nằm ở khu vực Đông Nam Á, đây được xem là một hành lang đa dạng sinh học quan trọng, bao gồm nhiều khu vực có độ đa dạng sinh học cao.

Để giữ được những rừng cây lớn như vậy không đơn giản. Họ phải tuần tra liên tục, đội này ra, đội khác lại vào. Không chỉ giữ rừng, bảo vệ sự bình an của các loài thú càng sinh vật nhỏ là nhiệm vụ không kém phần quan trọng.

Hàng chục nghìn chiếc bẫy thú đã được tháo gỡ khỏi rừng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các loài thú. Những loài thú xuất hiện không chỉ đơn lẻ, thông qua bẫy ảnh, người ta ghi nhận được từng bầy đàn với số lượng lớn. Một số loài lâu nay không có tung tích đã xuất hiện trở lại.

Rừng khỏe, muôn thú mới bình an. Rừng không chỉ là nhà của các loài động vật hoang dã. Các khu rừng trên khắp thế giới là nhà của hơn 300 triệu người, cung cấp các dịch vụ thiết yếu như thức ăn và nguồn nước ngọt cho thêm 1,3 tỷ người nữa.

Rừng xanh không chỉ đem lại cuộc sống trong lành, bình an cho cư dân; rừng phát triển tốt người dân có thể thu được tiền từ việc bán tín chỉ carbon.

Một vài thống kê kể trên để biết rừng quan trọng như thế nào. Nhưng, giữ rừng là một công việc gian khổ, nguy hiểm. Dưới những tán rừng xanh ngút ngàn, cây gỗ cổ thụ vươn mình, có thể đã thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu của lực lượng tuần tra.

Nguyễn Đắc Thành