Lễ ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973. Ảnh: Tư liệu 

Buộc Mỹ phải “xuống thang”

Từ giữa năm 1965, khi chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” bị phá sản, Hoa Kỳ ồ ạt đưa quân viễn chinh, cùng nhiều loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại vào miền Nam Việt Nam để tiếp tục chiến lược quân sự mới - “Chiến tranh cục bộ”. Để hỗ trợ cho chiến lược quân sự này, Hoa Kỳ đã tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc Việt Nam. Đây được xem là nỗ lực chiến tranh cao nhất, khiến cho Nguyễn Văn Thiệu - Tổng thống chính quyền ngụy Sài Gòn vô cùng huênh hoang và hết lời ủng hộ. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của Hoa Kỳ đều bị quân và dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè quốc tế từng bước làm tan rã.

Khi Mỹ tuyên bố quyết định đi đến dàn xếp, rút lui khỏi “vũng lầy chiến tranh” ở Việt Nam, Nguyễn Văn Thiệu hiểu rằng, điều này đồng nghĩa với chính quyền và quân đội Sài Gòn đứng trước nguy cơ sụp đổ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh mệnh chính trị của mình. Do đó, người đứng đầu Việt Nam Cộng hòa cực lực phản đối hành động “xuống thang”, chấp nhận đàm phán hòa bình với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Hoa Kỳ.

Đi sâu tìm hiểu bối cảnh thế giới, diễn biến trên chiến trường Việt Nam và tình hình nội bộ Hoa Kỳ vào giai đoạn từ sau cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân (1968) cho đến cuối năm 1972, cho chúng ta thấy, cuộc nổi dậy của quân và dân miền Nam Việt Nam vào Tết Mậu Thân (tháng 1/1968) đã gây nên sự chấn động dữ dội, đánh sụp ý chí xâm lược, buộc Hoa Kỳ phải tuyên bố “phi Mỹ hóa” chiến tranh, thừa nhận sự thất bại và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Hội nghị Paris. Việc làm đó của Hoa Kỳ đã lập tức vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Đó là một sự phản ứng rất tự nhiên của kẻ phụ thuộc đang thấy mình bị bỏ rơi.

Bởi sự xuống thang chiến tranh của Hoa Kỳ trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ở mức độ nào thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ sẽ trút dần gánh nặng chiến tranh lên vai quân đội Việt Nam Cộng hòa… Với việc Hoa Kỳ ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam, cũng có nghĩa tạo điều kiện cho miền Bắc khắc phục những khó khăn, đẩy mạnh chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Điều đó rõ ràng có ảnh hưởng trực tiếp đến chế độ Sài Gòn nói chung, sinh mệnh chính trị của Nguyễn Văn Thiệu nói riêng. Vì quyền lợi của mình, Thiệu sẵn sàng phản đối sự xuống thang chiến tranh của Hoa Kỳ ở bất cứ mức độ nào, thậm chí kịch liệt lên án, đả kích Hoa Kỳ công khai. Sự phản đối đó là một trở ngại không nhỏ, khiến cho Tổng thống Nixon phải thận trọng.

Trong bức thư Nixon gửi cho Thiệu vào ngày 6/10/1972, ông ta đã cảnh báo Thiệu không nên cản trở cuộc đàm phán. Ông còn nhắc nhở cho Thiệu phải cẩn thận hơn để không gây ra những điều kiện có thể dẫn đến những sự kiện tương tự như năm 1963. Khi Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến hành đi đến thỏa thuận nội dung bản Hiệp định (20/10/1972), Tổng thống Nixon phải phái Kissinger đi Sài Gòn và mang theo lá thư gửi Nguyễn Văn Thiệu, trong đó viết: “Tôi tin rằng ngài không có sự lựa chọn nào khác hơn là chấp nhận bản Hiệp ước”, càng khiến Thiệu phản ứng quyết liệt. Tại buổi hội đàm với Kissinger, Thiệu nhất quyết đòi phải sửa đổi 23 điểm trong bản Dự thảo Hiệp định, trong đó có những vấn đề quan trọng như đòi Hội đồng quốc gia hòa hợp và hòa giải dân tộc chỉ là cơ quan bầu cử, đòi xóa tên Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đòi rút quân đội miền Bắc ra khỏi miền Nam, khu phi quân sự phải trở thành biên giới thực sự chia cắt hai miền...

Đến ngày 24/10/1972, Nguyễn Văn Thiệu đọc bài diễn văn trước Quốc hội, lên án và bác bỏ, phủ quyết toàn bộ nội dung Dự thảo Hiệp định. Đây là sự phản ứng hốt hoảng của một kẻ làm tay sai sắp bị quan thầy bỏ rơi. Và lấy cớ đó, Hoa Kỳ đã viện dẫn lý do để cố tình dây dưa, kéo dài cuộc đàm phán, không chịu ký kết Dự thảo Hiệp định như đã định vào ngày 31/10/1972, nhằm thực hiện mưu đồ chính trị của Nixon.

Và ngồi vào bàn đàm phán

Nhưng cuối cùng, mưu đồ kéo dài cuộc đàm phán, gây sức ép với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng sức mạnh quân sự trên bàn đàm phán của Nixon đi vào bế tắc bằng thắng lợi rực rỡ của trận “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội (12/1972), buộc Hoa Kỳ phải trở lại bàn đàm phán. Vị thế của người chiến thắng đã giúp cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giữ được nội dung văn bản thỏa thuận mà hai bên đã chấp thuận vào tháng 10/1972. Đến lúc này, phía Hoa Kỳ đã lên tiếng gạt bỏ sự cản trở của Việt Nam Cộng hòa, mặc dù Thiệu vẫn cố tình tìm cách trì hoãn việc ký kết Hiệp định bốn bên tại Paris. Đứng trước tình thế đó, từ đầu tháng 1/1973 cho đến khi ký tắt Hiệp định, phía Hoa Kỳ liên tục gửi ít nhất 5 lá thư cho Nguyễn Văn Thiệu, trong đó phải dùng đến biện pháp đe dọa cắt nguồn viện trợ để thúc ép Thiệu ngoan ngoãn ký kết Hiệp định Paris.

Ngày 17/1/1973, trước khi ký kết Hiệp định, trong một bức thư gửi cho Thiệu, Nixon đã có những lời lẽ cứng rắn không khác một tối hậu thư: “Nếu các ngài từ chối không ký Hiệp định thì các ngài đừng trông mong gì vào khả năng giúp đỡ của chúng tôi. Ý kiến trong Quốc hội và công luận không cho phép chúng tôi làm khác”. Từ đó, càng khiến Thiệu uất ức, cho rằng: “Nước Mỹ, mà đại diện là Ngoại trưởng Kissinger đã lừa dối chúng tôi, ký vào bản Hiệp định Paris để rồi sau đó nuốt lời hứa, không chịu viện trợ cho chúng tôi. Ký xong Hiệp định, các ông bỏ chạy để mặc chúng tôi làm cái việc mà 50 vạn quân của các ông không làm nổi”…, cho thấy sự căm giận và hoảng hốt của Thiệu đối với Hoa Kỳ và Hiệp định Paris.          

Bài viết được trích dẫn từ:

1. Bộ Nội vụ - Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước – Trung tâm lưu trữ Quốc gia II (2010), Về đại thắng mùa Xuân 1975 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn, NXB Chính trị quốc gia.

2.  Nguyễn Tiến Hưng (1990), Từ Tòa Bạch ốc đến Dinh Độc lập, NXB Trẻ.

3. Lydon B. Johnson (1972), Về cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam và cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam, TTX Việt Nam.

4. Trần Trọng Trung (2005), Nhà Trắng với cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia.

NGUYỄN ĐÌNH DŨNG