Châu Á dự báo sẽ chứng kiến tỷ lệ lạm phát thấp nhất trong năm 2025. Ảnh minh họa: Stockbiz

Xét về giá năng lượng nói riêng, các nhà phân tích dự báo giá dầu, than và urani trong năm 2025 sẽ ở mức trung bình thấp hơn so với năm ngoái. Quá trình chuyển đổi xanh có thể sẽ kiềm chế giá dầu và than, và giá urani sẽ giảm sau một năm 2024 bội thu. Ngược lại, giá khí đốt của Mỹ và châu Âu dự kiến sẽ tăng cao hơn khi xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ tăng mạnh.

Về khu vực, châu Á được dự báo sẽ chứng kiến tỷ lệ lạm phát thấp nhất trong năm nay. Các nền kinh tế G7 sẽ chứng kiến tỷ lệ lạm phát thấp thứ hai, về cơ bản phù hợp với mục tiêu 2,0% của các ngân hàng trung ương nhóm này. Tiếp đến sẽ là các nền kinh tế Trung Đông và Bắc Phi, nơi áp lực giá cả sẽ được kiềm chế bằng việc neo tỷ giá của các quốc gia vào USD. Các nền kinh tế của Mỹ Latinh và Đông Âu sẽ chứng kiến lạm phát ở mức vừa phải, trong khi châu Phi cận Sahara được dự đoán sẽ ghi nhận tỷ lệ lạm phát cao nhất trong số các khu vực trên thế giới trong năm 2025. Việc thiếu chính sách tiền tệ độc lập ở một số quốc gia, cùng với sự mất giá của thị trường ngoại hối và năng lực quản lý kinh tế yếu kém ở một số khu vực, sẽ thúc đẩy áp lực giá cả trên lục địa này.

Cũng theo EIU, những yếu tố chính ảnh hưởng đến lạm phát toàn cầu năm 2025 bao gồm các hạn chế thương mại, xung đột, quyết định về sản lượng dầu của OPEC, biến động trên thị trường lao động, và “các sự kiện thiên nga đen” – tức các sự kiện như đại dịch, tấn công mạng quy mô lớn hoặc thiên tai – vốn không thể dự đoán được nhưng có thể ảnh hưởng đáng kể đến lạm phát nếu chúng xảy ra.

Về triển vọng lạm phát, EIU dự báo lạm phát trung bình ở các thị trường phát triển sẽ ở mức 2,1% trong giai đoạn dự báo 5 năm tới, tăng từ mức 1,5% trong những năm 2010. Tại khu vực đồng euro, các nhà kinh tế ước tính lạm phát cơ bản sẽ chậm lại còn 2% vào cuối năm 2025. Rủi ro lạm phát cực thấp ở Nhật Bản cũng đã giảm bớt, trong khi giảm phát tại châu Á có khả năng sẽ duy trì trong cả năm 2025.

Đánh giá về rủi ro đối với lạm phát, các nhà phân tích của ING cho rằng, các chính sách thuế quan tiềm năng không phải là yếu tố duy nhất có thể làm tái bùng phát lạm phát trong cả năm 2025. Các kế hoạch và sáng kiến đầu tư có thể dẫn đến các hạn chế về phía cung ở nhiều nền kinh tế, tạo ra áp lực lạm phát mới. Năm 2025 có thể đánh dấu sự khởi đầu của mô hình lạm phát “luân phiên dừng và tái diễn”, với các chu kỳ ngắn hơn nhưng thường xuyên hơn. Điều này đòi hỏi phải có các chính sách tiền tệ chủ động hơn, hoặc có cách tiếp cận lâu dài và ổn định từ các ngân hàng trung ương.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ EIU)