Giới thiệu nghề làm nón lá ở Thanh Tân với khách hàng

Về Thanh Tân hôm nay, tôi chứng kiến cảnh nhộn nhịp vui vẻ trò chuyện của chị em phụ nữ nơi đây bên những chiếc nón đang dần hoàn thiện. Với những phụ nữ lớn tuổi, chằm nón dù là nghề phụ vào lúc nông nhàn nhưng cũng tạo được nguồn thu nhập để cải thiện cuộc sống gia đình.

Nón lá ở làng Thanh Tân chủ yếu được làm từ lá cây mật cật, có nơi gọi là cây trúc mây. Để làm ra chiếc nón lá đẹp, phải trải qua nhiều công đoạn, như làm mô (làm khung), vô vành, xây lá, rồi đến chằm nón…, mà khâu nào cũng đòi hỏi sự khéo tay, tỉ mỉ và cần mẫn. Ban đầu, người thợ chuốt từng thanh tre mảnh, nhỏ rồi uốn thành vòng tròn có đường kính to nhỏ khác nhau. Mỗi chiếc nón có đến 16 vành tre, vành lớn nhất có đường kính khoảng 50cm, vòng tiếp theo nhỏ dần và cái nhỏ nhất cỡ bằng đồng xu. Tất cả được xếp tiếp nhau trên một cái khuôn hình chóp.

Chị Nguyễn Thị Lan, một người có tay nghề chằm nón ở Thanh Tân cho biết, để chằm được chiếc nón chuẩn đẹp từng đường kim mũi chỉ thì khi chằm phải để kẽ lá ôm khít vào nhau. Khi hoàn tất, người thợ đính cái “xoài” bằng chỉ màu vào chóp nón, sau đó mới phủ dầu, hong phơi để nón bóng láng và bền đẹp.

Bà Lê Mỹ Hương lâu nay sống nhờ nghề chằm nón ở làng Thanh Tân chia sẻ, để có được chiếc nón trao cho khách ưng ý, bà phải thực hiện nhiều công đoạn. Quan trọng nhất vẫn là sự khéo tay, cẩn thận, chăm chút từng khâu. Nghề này dù vất vả nhưng ai có đủ sự chịu khó, đam mê thì nghề cũng không phụ người.

Theo các cụ cao niên ở Thanh Tân, cuộc sống ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng nón lá không nhiều. Do đó, sản phẩm làm ra tiêu thụ khó khăn, giá bán thấp nên nhiều người trẻ trong làng ít mặn mà để nối nghiệp. Dẫu vậy, lâu nay bà con ở Thanh Tân vẫn xem nghề chằm nón là nét đẹp văn hóa truyền thống, là hồn cốt ở địa phương nên luôn giữ gìn không để mai một.

Ông Lê Hồng Phúc, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Thanh Tân cho biết, cách đây 8 năm khi TP. Huế công bố văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm nón lá và trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý Nón lá Thanh Tân, người dân địa phương rất vui mừng. Từ thời điểm đó, thương hiệu nón lá Thanh Tân bắt đầu được khách hàng gần xa biết đến. Nhờ thế, Thanh Tân không chỉ giữ được làng nghề truyền thống mà dần ăn nên làm ra.

Hiện nay, có hơn 100 hộ gia đình ở Thanh Tân theo nghề chằm nón lá. Trong số này có một số cơ sở, nhóm hộ thường tổ chức sinh hoạt, trao đổi, tiếp cận về quy trình cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm thích ứng thị trường, nhất là khách du lịch. Nhờ thế, sản phẩm nón lá ở Thanh Tân đã có mặt ở một số hội nghị, hội chợ triển lãm trong, ngoài địa phương. Người chằm nón cũng có thêm thu nhập nhờ có thêm các đơn hàng gần xa.

Chủ tịch UBND xã Phong Sơn - bà Phạm Thị Ánh Tuyết cho biết, từ khi nghề Nón lá Thanh Tân được UBND thành phố công nhận làng nghề truyền thống, nhiều gia đình ở địa phương có thêm động lực, thay đổi tư duy tạo ra các sản phẩm mới, như nón lá sen, nón lá bàng, nón trúc chỉ, cỏ bàng… được khách hàng ưa chuộng. Đó là hướng đi mà làng Thanh Tân đang hướng đến với quyết tâm không để nghề chằm nón truyền thống bị mai một.

Bài, ảnh: Minh Trường