Bác Hồ tự tay trồng cây. Ảnh: Tư liệu

Tết trồng cây được Bác Hồ phát động từ mùa xuân năm 1960, với mục đích khuyến khích Nhân dân bảo vệ môi trường, giữ gìn màu xanh cho thế hệ mai sau. Vì lợi ích rõ rệt cho nên Nhân dân hăng hái hưởng ứng và nhiều nơi đã trở thành một phong trào quần chúng. Với tầm nhìn xa, Bác Hồ đã nhận thấy trồng cây không chỉ tạo thêm màu xanh cho quê hương, mà còn mang lại nguồn lợi to lớn cho dân tộc. Trồng cây là hành động nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa lớn, vì cây xanh có vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, bảo vệ đất đai và cung cấp nguồn tài nguyên thiết yếu cho con người.

Sáng 30 Tết (1/2/1965), Bác tham gia trồng cây với hơn 1.500 cán bộ, đồng bào khu vực Cổ Loa và sau đó là với  bà con nông dân huyện Từ Liêm, Hà Nội. Đây không chỉ là hoạt động gieo mầm xanh, mà còn là lời nhắc nhở tinh thần trách nhiệm đối với môi trường và quê hương. Vào chiều 30 và mùng Một Tết năm Ất Tỵ, Bác Hồ về thăm, chúc Tết với đồng bào tỉnh Quảng Ninh. Trong chuyến đi này, Bác Hồ đã căn dặn: “Đẩy mạnh hơn nữa Tết trồng cây. Cho đến nay, có nơi làm khá, nhưng nhiều nơi còn kém. Phải làm cho Tết trồng cây thành một phong trào quần chúng vì mai sau nó sẽ là một nguồn lợi rất lớn cho Nhân dân”.

Lời dặn ấy cho thấy tầm nhìn của Bác, khi nhận ra giá trị to lớn mà phong trào trồng cây sẽ mang lại cho đất nước về lâu dài. Việc trồng cây không chỉ là nhiệm vụ của một cá nhân hay tổ chức, mà là trách nhiệm của cả dân tộc, của nhiều thế hệ cùng tiếp nối. Mỗi cây xanh được trồng là một ước nguyện về một đất nước phát triển bền vững, về một môi trường trong lành cho con cháu mai sau.Trên đường về, đồng chí Trần Quốc Hoàn đề nghị Bác và cả đoàn lên đồi thông Yên Lập (Yên Hưng, Quảng Ninh) nghỉ ăn trưa. Bác đồng ý nhưng dặn: “Đừng hái lộc để bảo vệ rừng”. Lời nhắc nhở của Bác về bảo vệ thiên nhiên không phải là hành động lớn lao, mà còn từ những việc nhỏ như không hái lộc, ngắt cành ngày đầu xuân như phong tục một số nơi. Cả đoàn vui vẻ đem xôi nắm mà Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chuẩn bị, vui vẻ ăn bữa cơm Tết đầu năm. Trời xanh cao. Tiết xuân ấm dịu. Bữa cơm Tết đầu năm trên đồi Yên Lập năm ấy thật gần gũi, đầm ấm và ngon lành.

Đến năm 1969, sức khỏe có phần yếu đi nhưng Bác vẫn không quên nhắc lại trong bài báo “Tết trồng cây” trên Báo Nhân Dân, số 5411, ngày 5/2/1969 rằng: “Ngày nay, đồng bào ta ai cũng hiểu rõ trồng cây gây rừng có ích lợi to lớn cho kinh tế và quốc phòng. Vì vậy, Tết trồng cây là ngày mở đầu cho việc trồng cây suốt cả năm, đã trở thành một tục lệ tốt đẹp của Nhân dân ta”. Một thông điệp tích cực của Bác về việc trồng cây, nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước. Đồng thời, Tết trồng cây như là một truyền thống văn hóa, khẳng định sự nhận thức sâu sắc của cộng đồng về lợi ích của hành động này đối với kinh tế, quốc phòng và bảo vệ môi trường. “Việc trồng cây ngày càng hướng vào những yêu cầu thiết thực như lấy gỗ, cây ăn quả, cây chắn gió phục vụ thâm canh lúa, bảo vệ đê, bao đồi, chống xói mòn, chống cát bay... Những dải rừng được trồng ở ven biển, dọc đường giao thông, trong thôn xóm đã có tác động lớn”. Và hàng triệu cây xanh được vun trồng ở khắp mọi miền Tổ quốc, từ đồng bằng đến miền núi, từ thành thị đến nông thôn.

Tết trồng cây không chỉ đơn thuần là việc làm cá nhân mà trở thành phong trào quần chúng, mỗi người đều góp phần nhỏ bé của mình để tạo nên một môi trường sống tốt đẹp hơn. Đó còn là một triết lý sống, là bài học về tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường và tinh thần đoàn kết của cả dân tộc và là cách để giáo dục về ý thức, trách nhiệm cộng đồng về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cho tương lai. Tết trồng cây là di sản văn hóa quý báu Người đã để lại cho dân tộc, cho đất nước, chứa đựng những bài học mang ý nghĩa sâu sắc. Ngày nay, khi biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang là vấn đề cấp bách, tính thiết thực của Tết trồng cây càng trở nên quan trọng.

Mùa xuân về, khi nhìn những hàng cây xanh tươi, chúng ta thêm tự hào về phong trào mà Bác Hồ đã khởi xướng. Tròn 60 trôi qua, phong trào Tết trồng cây vẫn tiếp tục được Nhân dân cả nước hưởng ứng, trở thành nét đẹp truyền thống vào mỗi dịp xuân về. Những điều Bác căn dặn, nhắc nhở năm nào vẫn sống mãi trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam, hướng đến một tương lai đất nước rạng ngời và vững mạnh.

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG