Phụ nữ vùng cao khoe sản phẩm từ dèng phục vụ du khách |
Gìn giữ, trao truyền
Lễ hội A Da (tết mừng lúa mới) tạ ơn mẹ giống cây trồng, mùa màng bội thu… đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh đồng bào các dân tộc vùng cao A Lưới. Năm nay, A Da Kooh (5-10 năm một lần) được tổ chức quy mô tại Làng văn hóa các dân tộc thiểu số A Lưới với sự tham dự của xã Phú Vinh, Hồng Thượng, Hồng Thủy.
Đứng bên góc nhà Moong, Hồ Văn Miên, một thanh niên ở thôn Keh 2, xã Hồng Thủy cùng nhiều diễn viên khác hồi hộp chuẩn bị trình diễn. Miên chia sẻ: “Em cùng các bạn về thị trấn tập luyện cả tháng trời cho ngày hôm nay. Tại các xã đã tổ chức lễ hội này trước rồi, nay mới làm chung. Về đây biểu diễn cùng mọi người, em thấy trách nhiệm của bản thân trong hành trình giữ gìn văn hóa. Ở xã em, các lễ hội quan trọng đều được già làng thông báo đến từng nhà, tiếp đó là họp bàn, luyện tập, không khí sôi nổi lắm”.
Trong tiếng tù và, tiếng trống báo hiệu, mọi người tham gia múa hát, làm lễ dâng cúng thần linh, trời đất mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no… Ông Kơ Xích, thôn Căn Sâm, xã Hồng Thượng xúc động: “Bà con mừng vui vì được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện làm lễ A Da thiệt lớn. Năm nay mình 84 tuổi, những gì mình biết về các lễ hội đã truyền lại cho mọi người rồi. Mong rằng sau này mình đi xa, con cháu sẽ kế tục nét văn hóa truyền thống đáng tự hào này”.
Nghệ nhân Ta Dưr Tư, Phó Trưởng phòng Văn hóa thông tin A Lưới thông tin: “Lễ hội năm nay có sự tham gia nhiệt tình của lớp diễn viên 20-30 tuổi. Nhờ sự quan tâm của chính quyền, không chỉ các lễ hội truyền thống mà các hoạt động dân ca, dân vũ được tổ chức nhiều hơn, thu hút lớp người trẻ, nhen nhóm kỳ vọng giữ gìn, phát huy các giá trị của bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số”.
Trước đó, bên ngoài nhà chung, hàng trăm già trẻ, gái trai đã có những cuộc tỉ thí sôi nổi trong các trò chơi dân gian. Không khí rộn ràng, nô nức khiến mọi người như quên đi tiết trời mưa lạnh của vùng cao. Rất nhiều người hân hoan khi được phô diễn tinh hoa làng nghề. Phụ nữ Tà Ôi tụ họp dệt dèng, khoe các tấm khăn, tấm vải kết cườm; người già Pa Kô tự hào với gian hàng gốm cổ; thanh niên Kơ Tu cẩn thận xếp từng món hàng đan lát giới thiệu với du khách. Một người cao tuổi ngồi nặn đất sét nói rằng, nhờ có dự án giúp làm lại gốm Noq nên đến nay, hơn chục người đã nắm vững quy trình, biết cách làm chén, bát, lọ hoa, ấm nước. Tưởng đã thất truyền trong chiến tranh, giờ đây cái nghề của cha ông đã sống lại rồi.
Các bạn trẻ gói bánh chưng và bánh a quat trong chương trình mừng xuân mới ở Đông Sơn |
Sức trẻ và niềm tin
Đây là mùa xuân đầu tiên A Lưới thoát khỏi các huyện nghèo cả nước, đặt một bước ngoặt lớn trong hành trình phát triển. Nhờ cả hệ thống chính trị vào cuộc, sự giúp đỡ của nhiều cơ quan, ban ngành, hơn 4.400 căn nhà được hoàn thiện, xây mới khang trang, xóa tình trạng nhà dột nát, tạm bợ. Năm vừa qua, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 1.968 hộ, đã giảm hơn 1.500 hộ.
Trong bức tranh chung, có những cá nhân nỗ lực kết nối, tìm đường khởi nghiệp, góp phần đưa quê hương ngày càng đi lên. Một trong những gương mặt trẻ đó là chị Trần Thị Bích May, chủ thương hiệu thịt gác bếp Hanaalfood. Hai năm qua, ít ai tin được người phụ nữ vùng cao này liên tục vượt đèo mang thịt khô đến giới thiệu ở các phiên chợ, gian hàng. Sản phẩm của nhà Hanaalfood đạt chuẩn OCOP 3 sao đã có mặt trong giỏ hàng Tết ở nhiều tỉnh, thành. Chị May kể, mỗi lần mang trên mình bộ áo dài dệt dèng đi giới thiệu mặt hàng, dường như ai cũng quan tâm, động viên khích lệ tinh thần khởi nghiệp của chị. “Cơ hội đến nhiều hơn nhờ chiếc áo dài thổ cẩm. Sự thơm ngon của thịt bò vàng A Lưới và phản hồi khách hàng tạo cho mình động lực phấn đấu và nỗ lực phát triển để đưa đặc sản vùng cao đi xa hơn”, chị May nói.
Không khí Tết đang đến gần, ở Đông Sơn, đại úy Nguyễn Viết Hùng người được tăng cường từ Bộ Công an về cơ sở tất bật với các đoàn thiện nguyện tổ chức hoạt động vui xuân đón Tết bản làng nơi anh đang làm nhiệm vụ. Từ bỡ ngỡ đến gắn bó yêu thương, đại úy Hùng mang đến sự đổi thay đáng kể với hệ thống điện chiếu sáng năng lượng mặt trời, sân chơi thể dục thể thao, phong trào tập võ rèn luyện sức khỏe, giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp… Trẻ, hăng hái, nhiệt tình, anh Hùng vẫn miệt mài làm con thoi kết nối và ấp ủ nhiều hoạt động cho những mầm xanh vươn lên ở nơi từng là “vùng đất da cam” một thuở.
Nhìn lại hành trình đã qua và đặt mục tiêu cho năm mới, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới - Nguyễn Văn Hải chia sẻ, thông qua hai Chương trình Mục tiêu quốc gia với 100 tiểu dự án, địa phương đã hỗ trợ con giống, cây giống, vật nuôi cho bà con. Cùng với đó là tập trung nguồn lực bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống nhằm quảng bá văn hóa, thu hút khách du lịch. Trong năm mới, huyện tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ, phát triển nông - lâm nghiệp, tạo đột phá du lịch… nâng cao thu nhập cho người dân.
Những ngày giáp Tết, tôi nhận được chú cá hồi tươi ngon từ ông chủ homestay Hồ Thanh Phương - người khởi xướng mô hình nuôi cá tầm Siberi. Đây là một trong những con cá hồi nuôi thí điểm bằng nguồn nước suối tự nhiên A Nôr ở xã Hồng Kim. Không đơn thuần là một vật nuôi mới, món quà này còn khẳng định tinh thần tìm tòi, sáng tạo trong làm kinh tế của thanh niên vùng cao mà Phương là một điển hình. A Lưới còn nhiều tiềm năng, đó là cả trầm tích ẩn mình chờ những con người dám nghĩ, dám làm khai phá và dĩ nhiên, cần cả tình yêu đối với vùng đất này.