Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tạo bước tiến lớn trong việc hiện đại hóa quản lý đô thị

Tạo đột phá

Cải cách hành chính (CCHC) từ lâu được tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP. Huế) xem là nhiệm vụ chiến lược để cải thiện chất lượng phục vụ công dân và thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Tuy nhiên, trước bối cảnh hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc chỉ cải tiến quy trình hay đơn giản hóa thủ tục hành chính không còn đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế mà buộc phải ứng dụng CNTT. Theo ông Trần Minh Long, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Huế, việc ứng dụng công nghệ vào CCHC không chỉ giúp tinh gọn bộ máy, giảm chi phí và thời gian mà còn tạo ra môi trường làm việc minh bạch, hiện đại. Đây là cách mà chính quyền thành phố khẳng định vai trò dẫn đầu trong xu thế chuyển đổi số.

Những năm qua, thành phố Huế đã triển khai hàng loạt nền tảng ứng dụng CNTT vào công tác hành chính, tiêu biểu là hệ thống dịch vụ công trực tuyến, Trung tâm điều hành thông minh (IOC) và các ứng dụng quản lý văn bản điện tử. Những bước đi này đã mang lại hiệu quả rõ rệt: tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt trên 94%, thời gian xử lý thủ tục hành chính giảm so với trước.

Dịch vụ công trực tuyến được xem là một trong những giải pháp đột phá trong CCHC tại thành phố Huế. Toàn thành phố có hơn 2.000 thủ tục hành chính, trong đó có gần 2.000 thủ tục hành chính được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến, chiếm tỷ lệ 95,94%. Trong đó, 1.058 thủ tục hành chính được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình cho phép người dân và doanh nghiệp thực hiện mọi giao dịch qua mạng, từ nộp hồ sơ, thanh toán đến nhận kết quả.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, một doanh nhân ở phường Thủy Xuân, quận Thuận Hóa, chia sẻ: “Trước đây, tôi phải mất cả ngày để nộp hồ sơ xin giấy phép kinh doanh, nay chỉ cần vài thao tác trên điện thoại, tôi đã hoàn tất mà không cần đến trụ sở cơ quan hành chính”.

Sự hài lòng của người dân là minh chứng cho hiệu quả của công nghệ trong CCHC. Việc tích hợp thanh toán trực tuyến qua các ví điện tử như FPT Pay và Viettel Money trên nền tảng Hue-S đã mang lại sự tiện lợi vượt trội cho người dân và doanh nghiệp. Người dùng có thể thanh toán các dịch vụ như tiền điện, nước, học phí, phí vệ sinh môi trường một cách nhanh chóng chỉ với một lần chạm trên ứng dụng Hue-S mà không cần cài đặt hay mở thêm bất kỳ ứng dụng nào khác. Giải pháp này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn góp phần quan trọng trong thúc đẩy chuyển đổi số và hiện đại hóa dịch vụ hành chính công trên địa bàn thành phố Huế.

Cùng với đó, Trung tâm điều hành thông minh (IOC) thành phố Huế còn tạo bước tiến lớn trong việc hiện đại hóa quản lý đô thị. Với khả năng thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, IOC giúp lãnh đạo thành phố đưa ra các quyết định nhanh chóng và chính xác.

Thông qua IOC, các lĩnh vực như giao thông, an ninh, môi trường, y tế và giáo dục được giám sát và điều hành chặt chẽ. Chẳng hạn, hệ thống camera AI tại các giao lộ không chỉ giám sát tình hình giao thông mà còn tự động phát hiện vi phạm và gửi thông báo phạt đến người vi phạm.

Đặc biệt, IOC tích hợp ứng dụng Huế-S, một nền tảng tương tác giữa người dân và chính quyền. Qua Huế-S, người dân có thể phản ánh các vấn đề trong đời sống hàng ngày như tình trạng ngập úng, vệ sinh môi trường, hay vi phạm xây dựng. Phản ánh này sẽ được chuyển đến các đơn vị liên quan xử lý ngay lập tức, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả.

Hướng đến chính quyền số

Dù đạt được những thành tựu đáng khích lệ, nhưng việc ứng dụng công nghệ trong CCHC tại thành phố Huế vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Đầu tiên, không phải người dân nào cũng quen thuộc với các nền tảng số, đặc biệt là nhóm dân cư lớn tuổi. Chưa kể, việc đầu tư hạ tầng công nghệ cần nguồn lực tài chính lớn, trong khi nguồn ngân sách còn hạn chế.

Để giải quyết vấn đề này, thành phố Huế đã đẩy mạnh công tác truyền thông và đào tạo kỹ năng số cho người dân. Các chương trình tập huấn sử dụng dịch vụ công trực tuyến được tổ chức thường xuyên tại các phường, xã. Ngoài ra, chính quyền thành phố cũng hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ để huy động nguồn lực và phát triển các giải pháp phù hợp.

UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, ông Nguyễn Thanh Bình khẳng định: Sự thành công của việc ứng dụng công nghệ vào cải CCHC đã tạo tiền đề để thành phố Huế tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền số toàn diện. Nghị quyết 18 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn, tạo ra một hệ thống quản lý vận hành thông minh, linh hoạt.

Thành phố Huế còn hướng tới xây dựng một đô thị thông minh, nơi công nghệ không chỉ phục vụ chính quyền mà còn nâng cao chất lượng sống của người dân. “Ứng dụng công nghệ vào CCHC không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố quyết định để thành phố Huế bứt phá trong giai đoạn mới. Với sự đồng lòng từ chính quyền, người dân và doanh nghiệp, Huế không chỉ là thành phố của văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường mà còn là thành phố đi đầu trong ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Huế, ông Nguyễn Thanh Bình khẳng định.

Bài, ảnh: HẢI THUẬN