Thị trường công nghệ sạch toàn cầu được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới. Ảnh minh họa: Green In |
Được đặt ra lần đầu tiên vào đầu những năm 2000, thuật ngữ “công nghệ sạch” dùng để chỉ các công nghệ và mô hình kinh doanh liên quan đến việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Bằng cách cải thiện hiệu suất và giảm chi phí, chúng có thể mang lại lợi ích kép: cải thiện lợi nhuận cho nhà đầu tư, đồng thời giảm tác động tiêu cực đến hệ sinh thái.
Mặc dù đã suy thoái trong giai đoạn từ năm 2007 - 2015 sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, nhưng ngành công nghiệp này đã chứng kiến sự hồi sinh trong những năm gần đây khi nhu cầu về các giải pháp chống biến đổi khí hậu ngày càng tăng.
Tình hình thị trường toàn cầu
Trên toàn cầu, đầu tư vào công nghệ sạch đã tăng 50% trong năm 2023, đạt 235 tỷ USD. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), mức tăng này tương đương với gần 10% tăng trưởng đầu tư trên toàn bộ nền kinh tế thế giới.
Sự gia tăng ấn tượng này chủ yếu được thúc đẩy bởi đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng mặt trời và pin - chiếm 80% đầu tư vào công nghệ sạch toàn cầu năm 2023, trong khi các nhà máy sản xuất xe điện (EV) thu hút thêm 15%. Ước tính, đầu tư vào các cơ sở sản xuất công nghệ sạch trong năm 2024 đạt khoảng 200 tỷ USD, gần với mức kỷ lục.
Thị trường công nghệ sạch toàn cầu được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới. Theo báo cáo được IEA công bố gần đây, thị trường toàn cầu cho 6 công nghệ sạch được sản xuất hàng đầu (bao gồm tấm pin mặt trời, tua bin gió, xe điện, pin, máy điện phân và máy bơm nhiệt) sẽ tăng từ 700 tỷ USD vào năm 2023 lên hơn 2.000 tỷ USD vào năm 2035. Đáng chú ý, con số 2.000 tỷ USD này gần bằng giá trị của thị trường dầu thô toàn cầu trong những năm gần đây.
Thị trường chủ chốt APAC
Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (APAC) được cho là một nhân tố chính trong cơn sốt đầu tư công nghệ sạch khi các công ty trên khắp khu vực tìm cách đóng góp vào nền kinh tế năng lượng mới. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán châu Á chiếm khoảng 60% tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2024 và sẽ chiếm 50% lượng điện tiêu thụ của thế giới vào năm 2025, khiến nơi đây trở thành mục tiêu hàng đầu cho các khoản đầu tư trong tương lai.
Hiện tại, Trung Quốc chiếm phần lớn thị phần tấm pin mặt trời và nhiều mặt hàng xuất khẩu công nghệ sạch khác. Nhờ chi phí sản xuất thấp, giá trị xuất khẩu công nghệ sạch của Trung Quốc dự kiến sẽ vượt quá 340 tỷ USD vào năm 2035. Con số này gần tương đương với doanh thu xuất khẩu dầu của cả Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cộng lại vào năm 2024.
Ngành năng lượng sạch của Trung Quốc là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng GDP, đóng góp khoảng 40% vào sự mở rộng kinh tế của nước này trong năm 2023. Đặc biệt, đầu tư đáng kể vào lĩnh vực năng lượng mặt trời đang thúc đẩy tăng trưởng, trong khi đầu tư vào năng lực cung cấp điện mặt trời trong 10 năm qua đã vượt quá 50 tỷ USD, gấp 10 lần so với châu Âu.
Mặc dù đến nay, Trung Quốc vẫn đang nắm giữ phần lớn các khoản đầu tư, nhưng các doanh nghiệp trên khắp khu vực cũng đang tìm cách khẳng định vị thế của mình trong phong trào công nghệ sạch đang phát triển. Công ty sản xuất điện của Nhật Bản JERA đặt mục tiêu đầu tư 300 triệu USD vào các công ty khởi nghiệp liên quan đến công nghệ sạch và năng lượng khi hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tại Indonesia, nơi sản xuất niken để cung cấp các thành phần chính cho pin EV, các doanh nghiệp cũng đang cần đầu tư để phát triển năng lực sản xuất của mình.
Triển vọng
Nhìn về phía trước, đầu tư vào ngành công nghệ sạch đang phát triển mạnh mẽ của APAC sẽ còn tăng cao hơn nữa. Trong khi động lực của nhiều chính phủ nhằm cải thiện an ninh năng lượng và giảm phát thải sẽ tiếp tục là yếu tố tăng trưởng chính, thì áp lực từ người tiêu dùng và doanh nghiệp phấn đầu vì một tương lai ít carbon cũng sẽ đóng vai trò quan trọng.
Ngoài những tên tuổi lớn trong ngành công nghệ sạch ở APAC như Yingli Green Energy Holdings, Suzlon Energy, Toyota Motors và Panasonic, trong năm qua, các nhà đầu tư cũng thể hiện sự quan tâm tích cực thông qua các khoản đầu tư mạo hiểm vào các công ty khởi nghiệp dẫn đầu trên thị trường. Nhu cầu về xe điện, các giải pháp tiết kiệm năng lượng và cơ sở hạ tầng bền vững sẽ đảm bảo đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ sạch tiếp tục tăng tốc. Theo đánh giá của nhiều nhà phân tích, một mạng lưới ổn định của các doanh nghiệp tham gia thị trường sẽ mang đến các cơ hội giao dịch vững chắc trong ngành công nghiệp đang phát triển nhanh chóng này.
(Lược dịch từ M&A Explorer)