Khi đến phòng cấp cứu, tôi thấy cô tôi ngồi lặng lẽ bên ông. Ánh sáng đèn bệnh viện trắng lạnh hắt lên khuôn mặt cô, lộ rõ lo âu. Ông mệt, nhưng khi thấy tôi, ông cố mỉm cười, đôi mắt ấm áp như muốn xoa dịu mọi mệt mỏi của tôi.

Trong số các cháu, tôi được ông yêu thương hơn cả, có lẽ vì tôi giống ông và học giỏi. Ông nhìn sang cô, giọng yếu nhưng đầy tự hào: “Cháu nó năm sau lên lớp 10 rồi. Nó học chăm lắm”. Cô mỉm cười, quay sang hỏi tôi về chuyện học hành. Khi nghe tôi chưa có kế hoạch gì, cô trầm ngâm rồi bảo: “Hay cháu thử thi trường chuyên của tỉnh đi. Khó lắm đấy, nhưng cô tin cháu làm được”.

Ánh mắt cô sáng lên khi nói, như truyền thêm niềm tin cho tôi. Rồi cô nhìn thấy đầu gối tôi đang chảy máu. Không nói lời nào, cô đi xin bông băng và cồn sát trùng. Khi cô băng bó cho tôi, bàn tay cô thật nhẹ nhàng, dịu dàng đến mức tôi không hề cảm thấy đau.

Những ký ức tuổi thơ ùa về trong tôi. Tôi nhớ lần theo bố ra thành phố bán nước mắm. Cô ngồi dưới, tay cầm phễu, giúp bố chắt nước mắm từ chiếc can lớn sang những chai nhỏ. Tôi tò mò đứng bên cạnh, chẳng may chân bị can đè lên. Đau quá, tôi giật mạnh chân ra, làm nước mắm bắn tung tóe vào áo cô. Chiếc áo cô mặc để chuẩn bị đi làm dính mùi mắm nồng nặc, nhưng cô chỉ cười hiền, chẳng trách mắng tôi nửa lời. Tôi quý cô từ dạo ấy.

Rồi tôi nhớ lần cô khánh thành nhà mới. Đó là căn nhà hai tầng rộng lớn, gạch lát hoa sáng bóng, cầu thang ốp đá vàng nhạt. Tôi háo hức ngắm nhìn mọi thứ, không khỏi trầm trồ. Cô đưa cho tôi chai Fanta lạnh, bảo: “Uống đi, ngon lắm!”. Đó là lần đầu tiên tôi được uống nước ngọt. Vị thơm ngọt mát lạ lẫm ấy khiến tôi say mê. Thành phố hiện lên trong tôi như một thế giới mới, đầy hấp dẫn. Từ lúc nào, tôi đã mơ ước được sống ở nơi ấy, dù chưa từng nghĩ đến việc phải xa nhà.

Cuối năm lớp 9, tôi ra ở nhà cô để ôn thi trường chuyên. Đó là kỳ thi khó, tỷ lệ chọi cao gấp nhiều lần thi đại học. Cô đăng ký cho tôi học thêm ba lớp, sáng tối kín lịch. Những buổi học đầu tiên khiến tôi choáng ngợp. Các bạn trong lớp ôn đều rất giỏi, còn tôi thì chật vật giải những bài toán hóc búa.

Một lần, cô mang về cho tôi một tập đề thi cũ. Tôi cầm lên, lòng nặng trĩu. Những đề toán chuyên làm tôi bối rối, không hiểu nổi, càng không giải được. Nhưng khi lật sang đề chuyên ngữ, tôi bất ngờ nhận ra mình có cơ hội. Đề ngữ văn vừa sức hơn với tôi, mở ra một khe cửa hẹp mà tôi có thể bước vào. Tôi phấn khích hơn, ra sức ôn luyện. Ngày thi tới gần, tôi học sớm khuya. Cô tôi dạo ấy cũng thức cùng tôi, lo cho tôi từng cốc sữa, từng cái bánh ăn khuya. Cô động viên và tin rằng tôi sẽ thi đậu. Đêm nào tôi học khuya, cô cũng thức, pha sữa và động viên tôi.

Ngày thi, tôi làm bài không tốt, chỉ được hơn nửa. Lòng tôi chùng xuống, nghĩ cơ hội đã khép lại. Tôi về quê. Khi ấy, tôi xác định là sẽ học ở quê thôi. Tới ngay trước hôm tôi chuẩn bị thi vào trường cấp 3 của huyện thì cô gọi điện về, giọng đầy vui sướng: “Cháu đỗ rồi! Chuẩn bị ra nhập học đi!” Tôi ngỡ ngàng, hỏi lại: “Đỗ thật hả cô? Cháu làm bài dở thế mà?” Cô cười, bảo: “Đỗ thật. Vừa đủ điểm thôi, nhưng đỗ là đỗ!”.

Tôi là học sinh đỗ cuối cùng của lớp chuyên ngữ năm đó. Chỉ thiếu một phần tư điểm thôi thì tôi chắc chắn sẽ học cấp ba ở trường huyện rồi. Cái ranh giới giữa hai nơi chốn cách xa nhau 40 cây số, với tôi được tính bằng một phần tư điểm đó.

Tôi rời quê, ra thành phố, bắt đầu cuộc sống học tập mới. Những ngày đầu, cô chở tôi đến trường trên chiếc xe máy. Hai hôm sau, cô mua cho tôi một chiếc xe đạp. Tôi đạp xe qua những con phố đông đúc, lòng tràn đầy háo hức. Ngôi trường chuyên rộng lớn, hàng cây xanh rợp bóng, những dãy lớp học khang trang khiến tôi tự nhủ: “Phải cố gắng thật nhiều!”. Thế nhưng, ba năm ở trường chuyên là những tháng ngày không dễ dàng.

Tôi chọn thi đại học khối tự nhiên, một lựa chọn trái với ngành học chuyên ngữ. Học lớp chuyên nên ngoài học buổi sáng trên lớp thì một tuần năm buổi chiều bắt buộc phải học thêm trên trường, gồm có ba buổi ngoại ngữ. Do đó, tôi chỉ còn thời gian vào buổi chiều tối khoảng hai tiếng đồng hồ để học thêm các môn khối tự nhiên. Thời gian ít ỏi như vậy nên việc tự học buổi tối với tôi là thời gian học chính.

Những năm cấp ba, tôi thường học bài tới 1-2 giờ sáng. Buổi sáng đi học tôi luôn trong tình trạng thiếu ngủ và người âm ấm sốt vì thức khuya. Trong căn gác lửng, những đêm dài, dưới ánh đèn bàn, tôi tự học với hai chữ “Ý CHÍ” dán trên tường, như một lời nhắc nhở bản thân không được bỏ cuộc. Cô luôn ở bên, âm thầm lo lắng. Có hôm, cô lên phòng, nhìn tôi vẫn cặm cụi bên sách vở: “Học vừa thôi cháu, giữ sức khỏe. Ốm ra thì làm sao theo kịp bài vở?”.

Ngày báo điểm đại học, tôi nhớ như in cái khoảnh khắc ấy. Hồi đó chưa có điện thoại di động, cũng không có internet để tra điểm. Mọi thứ chỉ có thể qua tổng đài điện thoại bàn. Trưa hôm ấy, khi cô chuẩn bị ra ngoài đi làm, một người bạn cùng thi đến báo rằng có điểm rồi. Bạn ấy cầm ống nghe chiếc điện thoại bàn, tay bấm số gọi vào tổng đài. Đầu dây bên kia vang lên những con số lạnh lùng: “Toán 10, Lý 9.5, Hóa 10”. Câu nói ấy vừa dứt, tôi đứng sững lại, như không tin vào tai mình. Tôi quay sang nhìn cô, và không kìm được cảm xúc. Cô ôm chầm lấy tôi, mừng rơi nước mắt, vỗ về: “Đậu rồi, đậu rồi, cháu ạ!”. Tôi cảm thấy nghẹn ngào.

Cô không chỉ là người thân duy nhất động viên tôi qua từng khó khăn, mà còn là người tôi yêu quý nhất. Tôi nhìn vào mắt cô, thấy sự tự hào và niềm vui của một người mẹ, người cô đã dõi theo tôi từng bước. Có lẽ cô còn vui hơn tôi, vì cô đã cùng tôi trải qua biết bao nhiêu vất vả, khó khăn để đến ngày này.

Thời gian trôi qua, tôi vào đại học, rồi ra trường và bước vào đời. Những dự án, công trình khiến tôi bận rộn, nhưng trong lòng luôn nhớ những lời cô dạy: “Cháu nhớ, khi làm việc gì cũng phải cố gắng hết mình, làm với cái tâm trong sáng nhất. Sau này, dù thành hay bại, không có gì phải hối tiếc, vì ít nhất cháu đã cố gắng hết sức rồi”. Lời dạy ấy theo tôi suốt những tháng ngày bôn ba, làm việc, và chạm tay vào những giấc mơ của chính mình.

Mới đây, khi tôi đang công tác ở một dự án xa xôi ở vùng Đông Bắc, điện thoại của mẹ gọi. Mẹ bảo: “Cô ốm nặng. Con về ngay”. Tim tôi quặn thắt lại. Tôi vội vã thu xếp công việc, rồi lên chuyến xe đêm, chạy thẳng về thành phố.

Trong cả chặng đường về, tôi nằm trên xe mà thao thức không ngủ được. Tôi nhớ tới cô tôi ngày cô ngồi ở giường bệnh chăm ông. Tôi nhớ tới lời cô tôi hồi ông mới mất. Cô buồn và thở dài bảo với tôi: “Ông mất rồi, có lẽ cô chẳng còn lý do gì để mà về quê nữa”. Hồi trước đó, cứ cách tuần, cô lại về thăm ông. Cô đi chợ rồi nấu những bữa cơm với canh chua cá dấm, món mà ông thích ăn nhất. Cô ngồi nhìn ông ăn từng chút một. Rồi tôi sợ, tôi sợ cô tôi lại theo ông về miền mây trắng như năm nào.

Xe về tới thành phố khi trời vừa hửng sáng. Tôi vào nhà cô, nhẹ nhàng bước lên phòng. Một thời gian không gặp mà cô gầy đi nhanh quá. Cô nằm trên giường và khẽ mở mắt khi nghe tiếng bước chân tôi lại gần. Tôi cầm bàn tay gầy guộc của cô mà chẳng nói nên lời. Cô cháu nhìn nhau, mắt tôi nhòe đi. Tôi đưa bàn tay cô lên và hôn nhẹ nhàng. Cô thều thào bảo: “Cháu… về… đấy à... Ngồi.. đây… với... cô”.

Tôi ở lại với cô suốt hai tuần sau đó tới tận hôm cô ra đi. Hôm ấy trời mưa rét, như đoạn cuối của bộ phim đen trắng, bộ phim cuộc đời, hình ảnh cô tôi từ từ nhòe đi rồi dần biết mất.

Tôi nấc lên nghẹn ngào gọi thầm hai tiếng: “Cô ơi!”.

Lê Ngọc Sơn