Nên tạo thói quen đọc sách cho con từ bé 

Đọc sách giúp trẻ phát triển

Nhấn mạnh lý do cần phải đọc sách, ông Hoàng Trọng Thủy, người sáng lập dự án “Làm bạn với sách” cho rằng, giáo dục không thể đóng khung trong phạm vi nhà trường, không nên khoán trọn giáo dục con mình cho giáo viên. Vì thế, tự học sẽ là giải pháp bền vững, lâu dài. Hơn nữa, đề thi ngày càng mở, đòi hỏi học sinh phải có kiến thức mở rộng và tư duy sáng tạo; học thuộc lòng, học vẹt sẽ không còn phù hợp.

Đọc sách mang lại nhiều lợi ích quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em, như phát triển ngôn ngữ và vốn từ vựng, phát triển kỹ năng viết, kích thích trí tưởng tượng và sáng tạo, tăng cường khả năng tập trung, phát triển kỹ năng tư duy logic, cải thiện kỹ năng giao tiếp. Ngoài ra, việc đọc sách còn khuyến khích tình yêu học tập suốt đời, tăng cường khả năng hiểu biết xã hội và nuôi dưỡng cảm xúc, từ đó phát triển lòng đồng cảm và kỹ năng hiểu người khác…

Nhận thức tầm quan trọng của việc đọc sách, nhiều bậc phụ huynh mong muốn tạo cho con thói quen đọc sách. Không phải ai cũng thành công. Trong quá trình tạo thói quen đọc sách cho con, ông Thủy lưu ý, việc hứng thú đọc sách quan trọng hơn đọc sách gì, đọc đều hơn đọc nhiều, chất lượng hơn số lượng, đọc đi đôi thực hành... Quan trọng là, cha mẹ hãy làm gương thay vì ép buộc, đồng hành cùng con, có chung niềm vui đọc sách với con.

Cô giáo Nguyễn Minh Thanh Nhàn, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (quận Thuận Hóa) cho hay, việc cùng con đọc sách giúp ba mẹ hiểu con hơn, làm bạn và gắn kết tình cảm với con. Điều này cũng tạo cảm hứng, khơi gợi ý tưởng trong công việc. Đối với con, khơi dậy hứng thú đọc sách, phát triển tư duy, ngôn ngữ, kỹ năng sống và con dễ dàng sẻ chia, kết nối với ba mẹ. “Hãy đặt sẵn quyển sách trong tầm với của trẻ. Đó là cách bạn khơi gợi hứng thú đọc”, cô Nhàn đưa ra lời khuyên.

Tạo thói quen, hứng thú với sách

Dù bận rộn, chị Phương Châu (quận Phú Xuân) vẫn luôn dành thời gian đọc sách cho con mỗi ngày. Buổi tối, cơm nước xong, trước khi con đi ngủ, chị luôn đọc sách cùng con. Thói quen này được chị duy trì từ khi bé mới 2 tuổi, nay cháu đã học lớp 2. Chị Châu chia sẻ, việc đọc sách hàng ngày giúp con chị hình thành và trau dồi ngôn ngữ. Khi vào tiểu học, cháu có vốn ngôn ngữ phong phú và kỹ năng giao tiếp tốt. Cùng với đó là tạo cho cháu thói quen đọc sách từ bé.

Theo kinh nghiệm của chị Phương Châu, bản thân ba mẹ phải thay đổi trước mới định hướng được cho con. Thay vì cầm điện thoại lên mạng xã hội, đọc tin tức vào những lúc rảnh rỗi, hãy dành khoảng 30 phút đọc sách cùng con mỗi ngày. Thay vì lúc nào cũng đưa con đi công viên, đến khu vui chơi thì đưa con đến nhà sách, thư viện, tham gia các CLB sách... Cả nhà cùng nhau đọc sách không chỉ tạo thói quen cho con mà còn tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.

Các bậc phụ huynh có thể chọn sách cho con theo tuổi. Ở độ tuổi mầm non, lớp 1, 2, ba mẹ chọn cho con những cuốn truyện tranh, thơ, đồng dao. Tranh càng sinh động càng hấp dẫn và đọc cho trẻ nghe, cho trẻ xem tranh. Từ lớp 3 đến lớp 5, những cuốn truyện thiếu nhi, truyện danh nhân, khoa học thưởng thức sẽ thu hút sự hứng thú của các em, đặc biệt là sách có kênh hình nhiều hơn kênh chữ. Ở độ tuổi này, trẻ có thể tự đọc hoặc đọc cùng phụ huynh để rèn phương pháp đọc. Lên cấp trung học cơ sở, có thể chọn cho các em những cuốn sách liên quan đến môn học, đọc theo chủ đề, lĩnh vực, nội dung phù hợp lứa tuổi…

Từ thực tế, cô giáo Thanh Nhàn đưa ra lời khuyên, khi đọc cho con nghe, ba mẹ nên sử dụng giọng điệu hấp dẫn, kết hợp ngôn ngữ hình thể và biểu cảm khuôn mặt. Để tạo sự hứng thú cho trẻ, nên khai thác sự hấp dẫn của cuốn sách từ trang bìa, hỏi cụ thể về nhân vật, chú ý biểu cảm khuôn mặt của nhân vật. Quá trình đọc có thể đặt câu hỏi cho con dự đoán về diễn biến, kết thúc câu chuyện, đặt ra các giả thiết, liên hệ với bản thân… Điều quan trọng nữa là, ba mẹ thể hiện sự chú tâm lắng nghe, cùng bàn luận thêm về nội dung bằng cách đặt câu hỏi để tạo cho con hứng thú chia sẻ cũng như ghi nhận điều con làm được qua lời khen, quà tặng bất ngờ.

Bài, ảnh: MINH HIỀN