Duyên nghiệp với giống đào quý

Vườn đào thất thốn của ông Lê Hàm nổi tiếng giữa làng đào Nhật Tân, với hàng trăm gốc đào “đẹp độc nhất”, luôn là địa chỉ quen thuộc của những người sành chơi hoa. 

Đào thất thốn với sắc đỏ thẫm, hoa to, nhiều cánh, khỏe khoắn khoe sắc trên những thân cây già cỗi hàng chục năm tuổi, búp lá xanh tươi luôn hút hồn người thưởng hoa.

Đến tham quan vườn đào được chăm chút tỉ mỉ, bắt đầu được xuất bán hoặc cho khách thuê chơi Tết Ất Tỵ, quan sát ông Hàm chăm chút cho từng gốc cây, cành lá, bông hoa, mới thấy sự kỳ công, nếu không có niềm đam mê, không thể làm được và theo ông Hàm, nghề trồng đào thất thốn đã ngấm vào máu ông từ khi ông gắn bó với đào… 

Ông Hàm chia sẻ: “Từ đời ông bà, gia đình đã theo nghiệp trồng đào, nhưng chủ yếu là đào bích, đào phai. Đào thất thốn thời ấy còn hiếm hoi, mỗi nhà chỉ có vài ba cây, như một thứ của riêng để thưởng ngoạn, chứ không được trồng phổ biến. Giống đào thất thốn Nhật Tân được nhân giống thành công không ở đâu có. Nhiều người đi khắp các vùng cũng không thấy có loại hoa đào này. Nếu tinh ý khi quan sát, bông đào thất thốn dày hơn, đẹp hơn, quyến rũ hơn các loại đào khác…”.

Từ năm 26 tuổi, sau khi rời quân ngũ, ông Hàm chính thức bắt tay vào trồng đào thất thốn. Đó là một hành trình đầy gian truân, thử thách, nhưng phải đủ đam mê và khát vọng. Như một lữ khách đơn độc, ông Hàm đã tự vạch ra lối đi riêng.

“Tôi say mê giống đào này từ những ngày còn bé. Lớn lên, tôi đi khắp nơi, sưu tầm những giống đào khác nhau, xin giống, trao đổi. Thời gian đầu, vì chưa có nhiều kinh nghiệm, đào thất thốn nở hoa không trúng Tết, cứ năm được năm không. Dù đau đáu, nhưng tôi vẫn kiên trì trồng. Nghề trồng hoa vốn đòi hỏi sự kiên nhẫn, trồng đào thất thốn còn ‘đỏng đảnh’ gấp bội. Đào bích, đào phai có năm được năm mất mùa, còn đào thất thốn có khi ba năm, thậm chí năm năm, mới có một vụ hoa trúng Tết. Sự khó tính, đỏng đảnh ấy lại càng khiến tôi quyết tâm chinh phục…”, ông Hàm bày tỏ.

Nghệ nhân Lê Hàm chăm sóc vườn đào 

Hoa đào dù có rét mấy thì cũng chỉ chơi được 15 - 20 ngày. Dù ngắn ngày nhưng đào thất thốn khi đã ra hoa thì đẹp khó tả. Sắc đỏ thẫm của hoa đào thất thốn quyến rũ, càng ngắm càng thấy nhiều nét đẹp từ thân cây xù xì đến cách ra lộc, ra hoa. Nếu thời tiết thuận lợi, cây đào thất thốn có thể chơi được một tháng. Vẻ đẹp của đào thất thốn không chỉ đến từ bản thân những cánh hoa, mà từ sự chăm chút, nâng niu của người sành chơi.

“Cầu kỳ nhất trong thú chơi đào thất thốn đòi hỏi người chơi thường xuyên phải ‘tắm nắng’ cho cây. Khi bông hoa đào tàn sẽ không rụng, mà dính trên cây, tạo thành những vết ố làm mất thẩm mỹ, vì thế phải bỏ bông cũ để bông mới nở ra. Lá già cũng vậy, phải bỏ đi để lá non ra… Đó là những động tác chăm sóc của người sành chơi đào thất thốn để cầy đào có thể chơi bền lâu”, ông Hàm chia sẻ.

Bí quyết “quý hơn vàng”

Nghệ nhân Lê Hàm từng trải qua nhiều thất bại. Năm 2006 - 2007, trận “bão đào” đã ập đến với gia đình ông, khi thảnh quả hơn 10 năm chăm sóc, vườn đào bị khô héo, chết gần hết vị thời tiết bất lợi, nắng hạn, giá lạnh kéo dài… Đào thất thốn khi đó cũng chưa được trồng phổ biến, nên vườn đào gia đình ông Hàm gần như mất trắng. Không nản lòng, điều này càng thôi thúc ông phải tìm hiểu các biện pháp ứng phó, gieo trồng, chăm sóc, bảo vệ tỉ mỉ hơn, để bảo tồn và phát triển bền vững giống đào quý này. 

Để có được những thành công như ngày hôm nay, ông đã phải trải qua quá trình dài gian truân, kỳ công, với 16 năm miệt mài nghiên cứu, thử nghiệm, không ngừng tìm tòi, học hỏi, đúc rút kinh nghiệm để chinh phục và nhân giống đào “đỏng đảnh” thành công. Đến năm 2010, khi Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, tên tuổi vườn đào thất thốn của gia đình ông mới thực sự được nhiều người chơi hoa sành sỏi từ khắp các địa phương biết đến và “cơn sốt” đặt chơi đào thất thốn trưng bày mỗi dịp Tết đến Xuân về bắt đầu từ đó.

Những tưởng chỉ cần có đam mê và tình yêu là đủ, nhưng làm nghề nông cũng đòi hỏi người phải hiểu biết sâu rộng về mỗi giống loài. Để điều khiển được đào thất thốn nở hoa đúng Tết, người trồng phải có kỹ năng, trình độ kỹ thuật cao, am hiểu điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, chăm bón, để biết đào cần gì, thiếu gì… Với ông Hàm, việc hiểu được chất đất ở làng Nhật Tân đã góp phần tạo nên sự khác biệt cho giống đào thất thốn.

“Quá trình chăm sóc đào thất thốn phải biết cách điều chỉnh ánh sáng, độ ẩm đất từng ngày để hoa ra màu sắc đẹp nhất, thậm chí phải kiểm soát được cách ứng phó với các điều kiện khí hậu, thiên tai bất thường xảy ra. Ngoài không ngừng học hỏi từ sách vở, kinh nghiệm người đi trước, các địa phương đã nhân được giống đào này, còn cần đúc rút từ những thất bại của bản thân...”, ông Hàm chia sẻ.

Hoa đào thất thốn khoe sắc 

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, “nghệ nhân” Lê Hàm chưa bao giờ có ý định từ bỏ tình yêu với đào thất thốn. Hàng ngày, ông vẫn miệt mài chăm sóc những gốc đào, vẫn chia sẻ kinh nghiệm cho những người yêu hoa và vẫn giữ lửa nghề cho thế hệ sau. Với quan niệm truyền nghề chính là cách giữ gìn tốt nhất, ông không ngại chia sẻ những kinh nghiệm đã đúc kết được cho người thân, anh em, bạn bè và cả những người thực sự tâm huyết với nghề. Đến nay, ông Lê Hàm vẫn quản lý toàn bộ vườn đào, từ việc chăm sóc cây con, đến khi cây trưởng thành và ra hoa. Dù sức khỏe đã yếu đi, không còn như những ngày trẻ, nhưng ngọn lửa đam mê trong ông chưa bao giờ tắt.

Vui mừng khi đào thất thốn ngày càng được nhiều người biết đến và yêu thích, ông Lê Hàm cho rằng, đây là sự động viên to lớn cho những người trồng giống đào này. Là người đã “đánh thức” giống đào quý, nghệ nhân Lê Hàm chính là người đã đưa thất thốn trở lại với đời sống văn hóa của người Hà Nội nói riêng và những ai yêu mến giống đào quý này nói chung.

Càng gần Tết Nguyên đán Ất Tỵ, vườn đào nhà ông Hàm càng nhộn nhịp người đến xem hoa, vãn cảnh, chụp ảnh, đặt thuê mua về trưng bày trong gia đình. Những bông đào thất thốn như những viên ngọc đỏ thắm, tỏa sáng giữa lòng Nhật Tân, mang theo bao hy vọng và niềm tin về một mùa xuân tươi đẹp. Đằng sau vẻ đẹp ấy là cả một cuộc đời cống hiến của nghệ nhân Lê Hàm, người đã dành cả trái tim để gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

“Hy vọng rằng mọi người mãi mãi đam mê, nhiều nơi nhân giống và trồng đào thất thốn”, ông Lê Hàm gửi gắm. Không ngừng khuyến khích nhân rộng để giữ mãi vẻ đẹp của giống đào quý, ông Hàm cho rằng, thị trưởng vẫn còn rộng mở, nhiều dư địa và tiềm năng, để những bông đào thất thốn mãi là một biểu tượng của mùa xuân Hà Nội, là món quà vô giá thiên nhiên ban tặng cho mọi người.

Hoa Đào thất thốn không chỉ là một loài hoa, mà còn là biểu tượng của tình yêu nghề, sự kiên trì và khát vọng vươn tới cái đẹp. Và “nghệ nhân” Lê Hàm, chính là người đã thổi hồn vào những gốc thất thốn ấy, để chúng mãi khoe sắc giữa lòng Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Theo baotintuc.vn