Đồng chí Nguyễn Văn Chắt (người đầu tiên phía bên trái). Ảnh: Tư liệu

“Không biết mô tê chi cả, cho tui theo với”

Ông Nguyễn Văn Chắt (1924 - 1991) là người xã Lộc An, huyện Phú Lộc. Ông có dáng người cao ráo, oai phong, nếu có cơ hội mặc comple và đi giày tây vào rất có dáng của vị lãnh đạo. Ông Thanh và ông Chắt quen biết nhau từ khi còn là cố nông đi cày thuê cuốc mướn, hết mùa rồi lại chia tay, đến mùa lại cùng nhau làm thuê nên có cơ hội trao đổi chuyện trò. Sau khi mặt trận Huế bị vỡ, với vai trò là Bí thư Tỉnh ủy, ông Nguyễn Chí Thanh quay lại bám đất bám dân nên đã có cơ hội gặp lại người bạn cũ. Ông Chắt cũng đi làm cách mạng nhưng “không biết mô tê chi cả cho tui theo với”. Từ đó, ông Chắt theo ông Thanh làm liên lạc, rồi trở thành cận vệ của Đại tướng hơn 20 năm, trở thành một thành viên không thể thiếu của ngôi nhà số 34 Lý Nam Đế, Hà Nội - Ngôi nhà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã sống và làm việc hơn 10 năm.

Ông Chắt là người ông Thanh tuyệt đối tin tưởng khi được giao nhiệm vụ chở vợ mình là bà Cúc và bé Thanh Hà từ Hà Tĩnh ra Việt Bắc bằng xe đạp để gia đình ông đoàn tụ. Ông Thanh luôn hiểu tấm lòng của ông Chắt, nên trong các bức thư gửi bà Cúc, không khi nào là không nhắc tới ông Chắt. Đại tướng luôn ân cần, chân tình, quan tâm tới gia đình ông Chắt -“dạo này chú có năng về thăm cô Hiền không, nhớ phải lo chu đáo cho cô ấy và các cháu nhỏ”.

Có lần khi nghe tin con gái đầu lòng của ông Chắt bị nước cuốn trôi khi đi qua sông, Đại tướng liền đưa chiếc xe đạp của mình cho ông Chắt đạp lên ngay xem tình hình gia đình như thế nào. Học được phần nào tính cách giản dị, mộc mạc của ông Thanh nên khi ông Chắt được cấp nhà ở Nam Đồng thuộc quận Đống Đa, Hà Nội, ông đã nhường lại cho những đồng chí khác cần hơn mình. Kỷ vật mà ông Chắt luôn gìn giữ và trân quý đó là chiếc áo trấn thủ, một con dao cạo râu và một khẩu súng săn hai nòng. Đó là những món quà của ông Thanh tặng sau mỗi chuyến công tác nước ngoài.

Sống bên Đại tướng ngần ấy năm, với ông Chắt có biết bao kỷ niệm. Đời ông trưởng thành cũng từ những kỷ niệm ấy. Có lần hoạt động ở Truồi (Phú Lộc), hai người men theo sông gặp đoạn nước chảy xiết, ông Thanh bị tuột mất quần, ông Chắt đã lấy quần mình cho ông Thanh mặc để có thể vào làng. Rồi có hôm ông Thanh đã “trốn thoát” ông Chắt để bỏ đi “chơi tự do”, cùng với đồng chí Lê Tự Đồng – đồng hương của Đại tướng ra vườn hoa con Cóc gần Hồ Gươm, nhưng vừa đến được một lúc thì ông Chắt đã tìm được ông Thanh và ông Đồng.

Cả cuộc đời chỉ làm một việc: Bảo vệ Đại tướng 

Ông Chắt buồn nhất là ngày Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đi B (vào chiến trường miền Nam) mà ông không được đi theo, không được phục vụ và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ người thủ trưởng kính yêu của mình. Nhưng một nỗi đau không thể nào nguôi ngoai là ngày Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ra đi, trái tim ông Chắt cùng với Nhân dân cả nước không thể kìm nén được cảm xúc. Sự trở về với lòng đất của vị tướng tài ba mà ông may mắn được làm cận vệ không phải là chuyến đi vào bóng đêm vĩnh hằng mà ngược lại có thể tiếp tục bừng sáng, bởi chính phong cách sống hết mình, sống vị tha, sống cùng lịch sử của dân tộc, điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sinh thời luôn thực hiện.

Những năm tháng sau ngày ông Thanh mất, ông Chắt vẫn thường xuyên qua lại ngôi nhà 34 Lý Nam Đế, cứ thấy nhói trong lòng là ông ghé, không cần phải đúng dịp nào. Ông đến như thường lệ cầm chổi, cầm cuốc nhẩn nha quét dọn, ngồi nhâm nhi ly trà, hút vài điếu thuốc, nét mặt bình thản nhưng đượm vẻ buồn, rồi trong tiềm thức bật ra hai tiếng “anh Thanh!”. Mới hay, 20 năm ấy Đại tướng và gia đình đã thật gần gũi và quý mến gia đình ông Chắt biết chừng nào. Để phần nào lưu giữ những kỷ niệm với ông Thanh, ông Chắt đã xin lên công tác ở K9 – nơi hai thầy trò đã nhiều lần đi công tác sống và làm việc nơi đây.

Đặc biệt vào năm 1975, ông Chắt được cấp trên bố trí đi bảo vệ một thủ trưởng khác nhưng ông đã từ chối và chia sẻ:“Tôi nhớ anh Thanh quá, không làm được đâu”. Theo chị Thảo (con gái đầu của ông Chắt) kể lại: Có lần ba được thăng quân hàm từ Đại úy lên Thiếu tá, nếu được thăng hàm phải chuyển về làm Chính trị viên Tiểu đoàn 144, một chức vụ khá quan trọng lúc bấy giờ nhưng lại không thể đi bảo vệ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nữa, nên ba đã xin giữ lại quân hàm cũ để có thể đi bảo vệ thủ trưởng của mình”. Coi như cả cuộc đời của ông chỉ làm một việc là bảo vệ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Chuyện giữa ông Thanh và ông Chắt như chuyện hai người bạn, hai người lính mộc mạc, hai người nông dân cùng quê, là chuyện của tình tri kỷ, sự chung thủy được tôi luyện trong máu lửa và bão táp cách mạng, những lần vào sống ra chết, những lúc chia sẻ ngọt bùi nhưng vẫn giữ được sự nghiêm chỉnh cấp trên cấp dưới.

Người ta thường nói, phải sở hữu một số tố chất tốt cùng nhiều năng lực hơn người mới có thể được chọn làm cận vệ cho các yếu nhân lịch sử. Vậy mà ông Nguyễn Văn Chắt chỉ là một anh thanh niên nông thôn quê ở Huế lại trở thành một cận vệ của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh hơn 20 năm. 20 năm ấy, với những đêm lặng lẽ một mình, ngủ mà như thức đấy, cất giữ an toàn tài liệu mật, cùng thị sát trận địa trong mưa bom bão đạn, không một lần nào, cho bất cứ ai có điều kiện và cơ hội ảnh hưởng tới tính mạng cũng như tài liệu của thủ trưởng mình.

LÊ THỊ MAI AN