Thành phố bên dòng Hương. Ảnh: Đình Hoàng |
Tôi còn nhớ rõ, đầu năm 2010 cây thị ở làng Dương Xuân Hạ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam với “nội lực” 312 năm tuổi thọ, cao 25m, thân gốc chu vi 4,2m và đường kính 1,4m.
Cũng vào thời điểm ấy, 9 cây muỗm ở đền Voi Phục sát công viên Thủ Lệ, Hà Nội được công nhận tập thể. Từ ngày 18/3/2010 đến tháng 4/2016, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã công nhận 2.225 cây thuộc 80 loài, được suy tôn “đại trưởng lão” là cụ Táu bạc đền Thiên Cổ ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ trải hơn 2.200 tuổi đời! Thừa Thiên Huế có thêm 2 cây được vinh dự ghi tên: Cây thị làng cổ Phước Tích năm 2015 với 544 tuổi, cao 25m, gốc chu vi 6,5m, đường kính 1,91m; và cây đa Đá Bạc tháng 4/2016 khoảng 200 đến 300 tuổi, cao 25m, tán rộng 35m, chu vi gốc khoảng 27m ôm trọn 6 hòn đá hoa cương.
Thủ đô Hà Nội với những con đường đi vào thơ ca, nhạc họa như Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Du, Thanh Niên… là bởi có những hàng cây cổ thụ gần gũi và cao sang luôn xòe bóng che chở bốn mùa mưa nắng, dòng đời thăng trầm xuôi ngược. Đường Phan Đình Phùng với những hàng sấu quanh năm xanh mát. Đường Hoàng Diệu với những hàng xà cừ vạm vỡ bên Đoan Môn của Hoàng thành Hà Nội ngày xưa, những biệt thự kiến trúc Pháp và Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ngày nay; chầu về những di tích, di vật của các triều đại cha ông ta thưở trước được phát lộ như những báu vật một lần sinh tử không bao giờ trở lại. Đường Nguyễn Du với hoa sữa “vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm”. Đường Thanh Niên với phượng vĩ và tre trúc như đường rẽ ngôi duyên dáng của mái tóc mượt xanh Hồ Tây - Trúc Bạch. Gần ba mươi lăm năm trước, thả dốc dài đường Hoàng Hoa Thám từ Bưởi về Thụy Khuê, cơ man nào là cây lá sum suê che mát trên từng dặm dài đạp xe.
Vô Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh. Theo Công ty cây xanh, thành phố Sài Gòn hiện có khoảng 5.500 cây cổ thụ, chủ yếu ở các công viên và đường phố. Riêng đường Tôn Đức Thắng năm 2000 có tới 264 cây xà cừ được đánh số tuổi đời trên 130 năm, nhiều cây hai người ôm không xuể, cành lá sum suê. Sài Gòn với những con đường mang tên Nguyễn Du, Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Trần Quang Khải, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tôn Đức Thắng, Huyền Trân Công Chúa, Sương Nguyệt Anh, Bùi Thị Xuân, Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu... làm rung động tâm hồn bao người với những hàng me, xà cừ, dầu rái, sao đen, cẩm lai, trắc, giáng hương… cao vút, thẳng tắp. Và cơ man là cổ thụ ở các công viên Gia Định, Tao Đàn… Thảo Cầm Viên, Dinh Độc Lập xưa - Dinh Thống Nhất nay.
Huế không có những phố cây cùng trang lứa và bốn mùa đứng thẳng vươn cao lên bầu trời như người anh em kết nghĩa Sài Gòn, Hà Nội mà đều là những phố cây nhiều thế hệ từ trẻ đến già bốn mùa cùng chia sẻ lụt bão nắng mưa. Huế không có những phố cây từ gốc tới ngọn da dẻ hồng hào, mượt mà, trắng mịn như người anh em kết nghĩa Hà Nội, Sài Gòn mà là những phố không ít cây bốn mùa phải đa mang gồng gánh khúc, mắc, cành cụt, cành con, rêu mốc, sần sùi…
Phố cây Huế là thế. Màu xanh cây Huế tượng hình từ đấy. Mà đẹp không nơi nào giống được.
Bão. Từ khi trời cho tôi biết bão là gì đến giờ không năm nào không có bão ở Huế; trừ mấy năm đi học đại học xa ở Hà Nội thì trời lại giáng cho trận bão khủng khiếp năm 1985 mà cha mẹ tôi kể lại mái tôn nhà bị lột giữa đêm khuya bao giờ không biết, nhẹ còn hơn người thợ giỏi cuốn cái bánh tráng trên bếp lò. Mấy năm kể từ ngày ấy, tôi như bị ám ảnh, nghe loa đài công cộng của Thủ đô đọc dự báo thời tiết là đứng sững dỏng tai, lòng vang vọng mấy câu thơ: “Con đang nghe báo bão ở trên đài. Chợt nhớ về quê mình đang mùa gặt hái. Hồi hộp quá mẹ ơi, muốn nghe đài nhắc mãi. Bão đi xa, gió nhẹ, vẫn yên lành!”. Mấy năm gần đây, đọc báo thỉnh thoảng có tin ở Hà Nội, Sài Gòn gió to làm đổ cây đè bẹp dúm cả ô tô xịn; song thấm tháp gì với rốn bão miền Trung - quần đảo Ludông của Việt Nam.
Người cứ soi thử mình xem sau cơn bão giông cuộc đời, lòng gánh chịu bao nhiêu xao xác lòng?
Lụt. Năm nào chẳng có lụt to, “lút cả làng”. Từ tấm bé, đã nghe cơn ác mộng Lụt Năm Ba (1953) cha mẹ thường nhắc mỗi khi mùa gió lạ quay về, nghe đâu cuốn sập cả cửa Nhà Đồ hùng vĩ của cung vua. Càng lớn càng thấm thía lụt. "Đại hồng thủy" 1999. Nhà ven sông (đường Bùi Thị Xuân) ngập sâu 1 mét 8. Sách, vở, tivi, tủ lạnh… bất khả kháng. Đưa con đi “tị nạn” hai ngày mà tưởng dài như hai tháng. Cỏ cây vật vã trong dòng nước bạc. Rồi lụt cũng rút. Mình làm thơ: “Bên kia bờ sông. Trắng phau vết chân của lũ. Cỏ lá bạc tóc gượng dậy. Thửa rơm rạ sau màu nước nổi - Xao xác phù sinh… Bên kia bờ sông - Mẹ già tóc thêm sợi bạc”. Có thằng bạn quen biết nhà trên vùng cao Trường An đùa rằng: “Ai vẻ mua nhà ở dưới thấp làm chi”. Mình cười chua: “Khi mô nước lụt lên tới hiên nhà ông để ông ra rửa chân thì đất đai, nhà cửa của Huế ông tha hồ khai hoang mà làm giàu !”.
Cây Huế một phen thất kinh hồn vía. Bật gốc, gãy cành, toe tua cả năm mới gượng lại được.
Thế đấy. Cây Huế trăm năm trải bao nắng mưa bão lụt. Vườn xưa của vua là Kinh thành nay còn bao nhiêu cây là cổ thụ vươn cành lên trời cao? Có lẽ cây đa đình làng Tây Lộc (đường Lương Ngọc Quyến) là một trong không nhiều nhà vô địch hiếm hoi ấy.
Trải bao cay đắng, ngọt bùi, tới mùa xuân lộc vẫn trổ mầm, tươi non như ngọc bích. Dù không là Cây Di sản, dù không là cổ thụ, dù không là vạm vỡ, cây Huế cùng quần tụ bền bỉ, tô thắm một màu xanh Huế riêng mang giữa đất trời miền Trung thùy dương quê ta.