Cầu vượt biển Thuận An đang nối nhịp. Ảnh: Nguyễn Phong |
Từ Quốc lộ 49B hoặc từ Tỉnh lộ 10, miễn sẽ gặp nhau ở một ngã tư, và đứng đó chúng ta sẽ thấy ngay cầu Diên Trường 1; qua cây cầu này sẽ thấy được cầu Thuận An về phía bên phải với những vài cầu bắc qua quãng mênh mông hùng vĩ của biển trắng đục xa mờ. Vừa chạy xe chúng ta vừa ngắm cầu trong sự trôi chảy của sắc màu mây chiều lồng lộng, hay đó là một sớm tinh mơ khi mặt trời vừa nhô lênh loang.
Từ cầu Diên Trường đến cầu Tam Giang là khoảng trống của đồng ruộng, sông nước, hai bên ken dày lau sậy. Cây sậy thì lấn thêm ra phía ngoài nước sâu, đến nỗi người ta phải phun thuốc diệt bớt để có thể canh tác, trồng trọt. Mùa thu lá sậy trở vàng giống nhiều lá cây khác, tuy cũng có thể là do bị phun thuốc nên lá vàng hoe dưới nắng, cộng với sự óng ánh của triền hoa lau phất phơ, ảo huyền trong chiều tương phản với sắc xanh, sắc vàng đỏ của mây, khiến nơi đây có sức cuốn hút dừng chân. Dừng chân để có bức ảnh tuyệt đẹp với sự hiện diện của chủ thể, một thước phim trong clip ngắn và ta sẽ chỉ tay về phía cây cầu Thuận An đang vẫy gọi.
Đi qua vạt lau sậy thì đến cầu Thảo Long. Trước đây lúc chưa có cầu Tam Giang (mà chỉ là tiếng gọi Ca Cút đò ơi), chưa có cầu Thuận An, thì cùng với cầu Trường Hà, đây là một cây cầu lớn của Huế bắc niềm vui giữa vùng biển với thành phố. Cây cầu giữa sóng nước mênh mang; từ đây đến cầu Tam Giang còn khoảng 8km. Qua cầu Thảo Long sẽ có ngay đường rẽ về Cồn Tè (cách 2km). Đây là địa điểm khá lý tưởng vừa ngắm không gian khu nước mặn với một số loài chim quý hiếm, vừa ngắm cây cầu Thuận An kỳ vĩ.
Thiết nghĩ sau này ai đến Huế cũng ước muốn đi trên cầu Thuận An, cây cầu rộng dài hạng khủng, đứng trên tưởng như chạm tay được mây trời. Rồi lúc chạy đến trên cầu Tam Giang, chúng ta cũng muốn dừng lại để nhìn về đó, với những đám mây ngưng lặng, những gợn mây tiếp nối phiêu du trôi như thoại ngữ mơ hồ, song rất thật về hình thái sắc màu mang lại. Mây trên sông trên biển, trên những cánh đồng, mây bay qua cầu như một ứng đối của mong manh và trường tồn. Tôi nhớ từ cuối đông cho đến ra xuân thì kè chắn sóng ở Hải Dương sẽ lêu rêu, hòa với nắng chiều khiến cho những bức ảnh thêm huyền ảo. Ở đó đã đẹp, nay có cầu Thuận An bắc qua thì thật khó tìm được điểm check-in tuyệt hơn.
Ở Cồn Tè có một con đê, bờ kè nhỏ của đá tự nhiên lâu năm, đây là một góc khác lạ nhìn về phía cầu Thuận An. Những tấm nò sáo giăng trên sông tạo nên đường cong chéo góc với cầu. Cây cầu lúc chưa hoàn thành cũng lưu dấu trong những bức ảnh nghệ thuật, làm nên kỷ niệm đẹp riêng khó có trên hành trình ta đến với Huế. Giữa điểm dừng của Cồn Tè, với những vạt đước, vạt bần xanh ngút, mùa mưa nước dâng lấp gốc, mùa khô nước rút trơ bộ rễ, ấy là lúc cầu Thuận An lộ ra diệu kỳ. Cái đẹp đôi lúc đơn giản là chỉ mình ta với thiên nhiên.
Thích nhất vẫn là mùa thu, những cụm đá lô nhô thành bãi dài, trên đó là rêu xanh ngả vàng; loài hàu bám đá đã bị người ta nạy hết, hoặc do va đập làm chúng chỉ còn lộ vỏ như nét vẽ chỉ trắng nối nhau lấp lóa dưới nắng đan xen mê mải. Bạn đứng đó ngồi đó hoài niệm hay chụp pô ảnh làm tư liệu về cây cầu, tư liệu cho nỗi niềm của chính mình từng ở đó nhớ về ai, về những dở dang hay thành công dẫu vẫn còn thiếu niềm thanh thoát bước trên cầu Thuận An vào ngày trời sắc nét nhất miền cố xứ. Một cái đẹp trong khiết, thanh thoát của mây, của áng trời phiêu lãng; giữa sóng nước, giữa nắng, giữa bọt nước tung lên phía bờ kè xanh rực rỡ, giữa mây khác lạ hơn do sự tương phản của rừng cây ngập mặn tạo nên màu xanh lơ và trắng đục hòa quyện mê hoặc, cũng không khác nhiều khi ta bước trên dải lụa, bước trên hiên của một giấc mơ. Cây cầu lúc đó không những mang tính chất của kinh tế, của đời sống thường nhật, mà là vẻ quyến rũ của Huế.
Cồn Tè cách Rú Chá không xa, đây là địa điểm thu hút du khách đến nhiều vào mùa thu. Lúc cây chá trổ hoa đổ lá vàng là khơi dậy mãnh liệt niềm đam mê chụp ảnh của giới chuyên cũng như mỗi ai muốn lưu lại khoảnh khắc quý giá nơi này. Dĩ nhiên ở đây ta không thể nhìn thấy cầu Thuận An, ngoại trừ leo lên đài ngắm của Rú Chá, câu cầu sẽ hiện ra như một nét vẽ thủy mặc, một vệt thiền trong sương khói. Hoặc chúng ta sẽ ngắm cầu ở nhiều góc từ Rú Chá qua flycam, đẹp như áng cầu vồng chưa được ánh nắng rọi vào.
Dĩ nhiên ngắm cầu Thuận An một cách tuyệt mỹ thì chỉ có đến tận làng Thai Dương Hạ. Lúc vừa qua cầu Tam Giang sẽ có đường rẽ về Hải Dương, ngay cạnh con đường đó là đường dẫn về mố cầu Thuận An, nó hợp với đường cũ để thành con đường khá rộng, hai bên vẫn là trời nước mênh mang; điểm cút bắt này đẹp lộng khi ta nhìn ngược lại cầu Tam Giang có thêm bóng mây trên nó. Trước đây, lúc cầu mới chỉ bắc được cái mố đầu tiên, tôi đã đứng nhìn qua hắt hiu bên kia, thấy một doi cát rợp phi lao nhô ra, rất ngạc nhiên khi nghĩ cây cầu có thể bắc dài qua phía bên đó. Sự tò mò khiến tôi lại chạy xe vòng xuống Thuận An, rẽ phía đường về làng Rồng, tìm cho được chỗ bắc mố cầu với công trường khổng lồ đang bề bộn. Bên này mố cầu nhìn qua mố bên kia, cứ như cây cầu chỉ là sự tưởng tượng thôi, không thể nối nhịp bờ vui xa lắc như thế. Lúc họ cho vào bên mố cầu Thuận An, tôi đi xuyên ra ngoài doi cát, bước miên man giữa bãi biển, nhìn phía trên đã có những vài cầu đầu tiên bắc ở xa xa. Ngược về phía bên kia Hải Dương, tôi cũng đến người bạn nhà gần cầu, đứng ở cổng đã nhìn thấy cầu như bắc qua trên mái nhà mình. Anh nói mỗi lần thêm một vài cầu được bắc là anh lại ra chụp pô ảnh, để “hợp long” một cây cầu cho riêng. Giá trị kinh tế thì thấy rõ, song hành với đó là cây cầu của tâm hồn cũng đã được bắc qua, nối lại khoảng thiếu hụt trong tâm hồn mỗi người một cách viên mãn.