Việc trừ điểm trên GPLX đã góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông |
Nâng cao ý thức tham gia giao thông
Tại Điều 58 Luật TTATGTĐB 2024 quy định: Điểm của GPLX được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về TTATGTĐB của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu về TTATGTĐB, bao gồm 12 điểm.
Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật về TTATGTĐB. Dữ liệu về điểm trừ GPLX của người vi phạm sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm GPLX biết.
Đối với GPLX chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng từ ngày bị trừ điểm gần nhất thì được phục hồi đủ 12 điểm. Trường hợp bị trừ hết điểm, người có GPLX không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo GPLX xe đó. Sau thời hạn ít nhất 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có GPLX được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về TTATGTĐB để được phục hồi 12 điểm.
Chị Nguyễn Thị Phương Uyên (phường Phú Hội, quận Thuận Hóa) chia sẻ, bản thân đã nắm được thông tin về trừ điểm GPLX thông qua mạng xã hội. Cách làm này thực tế không quá mới mẻ bởi nhiều nước trên thế giới đã triển khai, khi được áp tại Việt Nam hy vọng sẽ góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Anh Lê Hữu Đạt (phường Hương Sơ, quận Phú Xuân), tài xế đang kinh doanh vận tải hàng hóa cho biết, nếu bị trừ hết điểm thì tài xế sẽ không được lái xe trong 6 tháng, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế. Cộng với mức xử phạt vi phạm hành chính về TTATGTĐB theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP cao như hiện nay, chắc chắn tài xế sẽ có phần “dè chừng” hơn và chấp hành nghiêm các quy định.
Có thể theo dõi qua ứng dụng VNeID
Theo thông tin từ Công an thành phố Huế, tùy theo tính chất vi phạm, lái xe sẽ bị trừ tối thiểu là 2 điểm và tối đa là 10 điểm đối với mỗi hành vi vi phạm. Đối với các hành vi có tính chất nguy hiểm, xâm phạm TTATGTĐB, cơ quan chức năng sẽ áp dụng hình thức tước ngay bằng lái.
Cụ thể tại Nghị định 168, tài xế có nồng độ cồn vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/l khí thở sẽ bị trừ 4 điểm GPLX (quy định trước đây là bị tước bằng 10 -12 tháng). Với mức nồng độ cồn vượt quá 50-80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25- 0,4mg/l khí thở sẽ bị trừ 10 điểm GPLX (quy định trước đây là bị tước bằng lái xe 16 - 18 tháng). Đáng chú ý, tại mức vi phạm nồng độ cồn cao nhất: vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở, lái xe bị tước ngay bằng lái 22 - 24 tháng. Một số vi phạm khác bị trừ điểm như không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu (trừ 4 điểm), chạy quá tốc độ trên 35km/h (trừ 6 điểm)…
Để các quy định có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố Huế đã hoàn thành việc tập huấn, xây dựng phương án, rà soát, bố trí lực lượng, phương tiện để tuyên truyền tới người dân và sẵn sàng xử lý nghiêm các vi phạm. Trong đó, tập trung sử dụng hệ thống giám sát, camera cầm tay, đeo trên người của cán bộ, chiến sĩ để ghi hình tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý người tham gia giao thông, góp phần dần hình thành thói quen tốt khi tham gia giao thông.
Đối với việc trừ điểm bằng lái xe, theo thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông, đơn vị đã sẵn sàng tương thích các phần mềm xử lý vi phạm, cập nhật các quy định tại nghị định mới. Đồng thời, các cơ sở dữ liệu cũng đã được liên thông, kết nối trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân có bằng lái xe được cấp trước thời điểm 1/7/2012 nên đổi sang bằng lái mới. Đồng thời, tiến hành kết nối bằng lái xe với ứng dụng VNeID để có thể theo dõi số điểm và tình trạng của bằng lái một cách dễ dàng.