Những thanh niên của A Lưới lên đường đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng |
Gia đình ông Nguyễn Văn Ninh, thôn Ka Nôn 2, xã Lâm Đớt, có con trai đi LĐNN tại Nhật Bản từ tháng 8/2023. Công việc ổn định và thu nhập khá, gửi tiền về hỗ trợ gia đình. Ông Ninh chia sẻ, nguồn thu nhập này giúp gia đình trả hết nợ ngân hàng và bắt đầu tích lũy để sau khi kết thúc hợp đồng, con trai ông có vốn đầu tư kinh doanh.
Nhiều gia đình tại xã Lâm Đớt như gia đình ông Hồ Đình Vân (thôn Ka Nôn 1) hay bà Lê Thị Làm đều có người thân làm việc tại Nhật Bản. Hiện nay, xã có 9 lao động đang làm việc ở nước ngoài, chủ yếu trong các ngành đóng gói thực phẩm, nhà hàng và hàn xì. Một số lao động trẻ vừa thi đỗ và đang chuẩn bị xuất cảnh.
Qua rà soát, xã Lâm Đớt với 480 hộ nghèo và 391 hộ cận nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Để hỗ trợ người dân, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích đi LĐNN. Nhiều hội thảo đã được tổ chức nhằm cung cấp thông tin chi tiết về cơ hội việc làm, quy trình và chính sách hỗ trợ tài chính.
Ông Hồ Chính Bê, Chủ tịch xã Lâm Đớt cho biết: Để nâng cao hiệu quả của việc đi LĐNN, UBND xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách pháp luật về công tác đi LĐNN để người dân nâng cao nhận thức; đẩy mạnh phong trào đi LĐNN gắn với giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã.
Nhờ vào sự đồng hành của Ngân hàng Chính sách xã hội, Huyện đoàn đã giải ngân hơn 450 triệu đồng cho 46 thanh niên vay vốn đi LĐNN. Đây là nguồn động lực lớn giúp nhiều gia đình mạnh dạn đầu tư vào hướng đi này. Tính đến cuối năm 2024, toàn huyện đã có 64 thanh niên xuất cảnh theo hợp đồng lao động tại các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
Đi LĐNN mở ra cơ hội việc làm với mức thu nhập khá, góp phần đáng kể trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo tại huyện A Lưới. Năm 2024, số hộ nghèo do thanh niên làm chủ hộ đã giảm từ 18,4% xuống còn 17,1%, tương đương 218 hộ. Đây là kết quả trực tiếp từ việc định hướng nghề nghiệp, tư vấn và hỗ trợ vốn cho thanh niên.
Huyện đoàn phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng mềm, ngôn ngữ và văn hóa cho những lao động chuẩn bị xuất cảnh. Những lớp học này giúp thanh niên tự tin hòa nhập với môi trường quốc tế, đồng thời nâng cao nhận thức và ý thức kỷ luật lao động.
Anh Trần Toàn, Bí thư Huyện đoàn A Lưới cho biết: Tuy đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng huyện A Lưới vẫn đối mặt với một số khó khăn trong việc thúc đẩy phong trào đi LĐNN. Một trong những thách thức lớn nhất là sự e ngại từ phía người dân về rủi ro khi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là về các vấn đề pháp lý và sự an toàn. Số lượng thanh niên có trình độ học vấn và tay nghề phù hợp vẫn còn hạn chế, đòi hỏi sự đầu tư dài hạn vào giáo dục và đào tạo nghề.
Trong năm 2025, Huyện đoàn A Lưới đặt mục tiêu mở rộng các chương trình hỗ trợ tài chính, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp uy tín và nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Đây không chỉ là giải pháp kinh tế mà còn là cơ hội để thanh niên nâng cao tư duy, góp phần xây dựng A Lưới phát triển thịnh vượng và bền vững.