Đô thị Huế mang đậm dấu ấn của di sản |
Đô thị di sản văn hóa đầu tiên
Tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Huế mới đây, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là rất xứng đáng dựa trên nền tảng di sản, chiều sâu về văn hóa. Huế là tài sản giá trị của cả nước, một đô thị di sản văn hóa đặc trưng riêng có. Trong tiến trình vươn mình của dân tộc, bản sắc riêng là yếu tố để khẳng định Việt Nam với thế giới. Huế là thành phố mang nét đặc trưng riêng trong dòng chảy phát triển mà Trung ương mong muốn xây dựng trở thành đô thị di sản văn hóa đặc trưng, có thương hiệu của cả nước.
“Thành phố Huế luôn giữ một vai trò và vị thế đặc biệt quan trọng, là một trong những trung tâm lớn về văn hóa, du lịch, giáo dục, đào tạo, y tế chuyên sâu; là một cực tăng trưởng của vùng động lực miền Trung và có vị trí trọng điểm về quốc phòng, an ninh của cả nước. Thành phố Huế là vùng đất văn hiến, “địa linh nhân kiệt”, nơi có 8 di sản được UNESCO ghi danh; trong đó, có di sản được UNESCO công nhận từ năm 1993 và trở thành thành viên chính thức của mạng lưới di sản quốc tế. Đó chính là yếu tố, tiêu chuẩn đặc thù của thành phố trực thuộc Trung ương có tính chất “đô thị di sản” đầu tiên của Việt Nam”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Trên thế giới, gần như quốc gia nào cũng có một thành phố di sản, hay thành phố mang đậm dấu ấn lịch sử, thể hiện chiều dài phát triển của đất nước. Nơi đó, không chỉ chứa đựng chiều sâu văn hóa lịch sử của đất nước, mà còn trở thành đại diện cho hình ảnh của quốc gia, đất nước đó; được tập trung để quảng bá hình ảnh, trở thành điểm đến thu hút du khách. Với thành phố Huế, khi đã trở thành thành phố đô thị di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam sẽ là giai đoạn xây dựng và phát triển mới, với những vai trò, trọng trách lớn hơn.
Du khách đến tham quan thành phố Huế |
Bí thư Thành ủy Lê Trường Lưu tin tưởng, là thành phố di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam, đây là nền tảng quan trọng, tạo động lực, khí thế mới để Huế tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng vẻ vang, xây dựng và phát triển thành một đô thị di sản thông minh và giàu bản sắc; tiếp tục phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, tạo bứt phá để phát triển nhanh và bền vững; khẳng định vai trò, vị thế các trung tâm của vùng và cả nước.
Xây dựng đô thị kiểu mẫu
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, đô thị di sản văn hóa ở vùng lõi trung tâm mà Huế đang có là hình mẫu về một kiến trúc đô thị cảnh quan. Cụ thể, đó là đô thị có những công trình kiến trúc gắn liền với cảnh quan, có các không gian “rỗng”, nhiều công viên xen kẽ với hệ thống di sản. Một đô thị không bị nén chặt bởi những khu phố chật hẹp, những tòa nhà cao tầng nằm san sát nhau, đó là điều kiện để cộng đồng dân cư có điều kiện sống hòa hợp, nét văn hóa, lối sống đề cao “tình làng nghĩa xóm” được phát huy. Đô thị có những khu hành chính công, các trường học với đầy đủ các công trình chức năng… nằm trong lòng khu dân cư. Một thành phố không bị ô nhiễm không khí, nước thải… “Khi phát huy các yếu tố trên, thành phố di sản này không chỉ là mẫu hình xưa, mà phải là mẫu hình của tổ chức đô thị mới, văn minh và hiện đại của tương lai”, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa chia sẻ.
Những ngày đầu năm mới 2025, khi làm việc với các địa phương của thành phố Huế, Bí thư Thành ủy Lê Trường Lưu luôn nhấn mạnh, các quận trung tâm phải tập trung và có giải pháp để xây dựng, phát triển các quận nói riêng và thành phố Huế nói chung thành một đô thị kiểu mẫu gắn với di sản văn hóa. Một đô thị mà ở đó làm nổi bật lên được những giá trị về văn hóa, cảnh quan đặc trưng, phát huy được văn hóa Huế, con người Huế để hình thành và phát triển xứng đáng với thành phố di sản văn hóa. Khi đã trở thành thành phố di sản đòi hỏi từng đường làng, ngõ xóm phải xây dựng được những tiêu chuẩn văn minh, hiện đại, sạch đẹp và có tính kiểu mẫu. Khi làm được điều đó, tương lai Huế sẽ trở thành đô thị rất đặc trưng, rất đặc biệt.
Ông Võ Lê Nhật, Bí thư Quận ủy Phú Xuân cho biết, là đô thị trung tâm nằm ở phía bắc sông Hương, với đặc trưng riêng về đô thị di sản, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, quận sẽ sớm có kế hoạch tổng hợp, thống kê, nghiên cứu những yếu tố cấu thành đô thị, những đặc trưng riêng có. Dựa trên tầm nhìn quy hoạch thành phố Huế đến năm 2050, quận sẽ tiến hành xây dựng những bộ tiêu chuẩn, những quy định về xây dựng trong đô thị. Mục tiêu trước mắt là hình thành những tuyến phố, những ngõ kiệt mang tính đặc trưng riêng, sau đó sẽ là nhân rộng ra toàn quận.