Phú Lộc, cửa ngõ phía nam của Huế

Đồng lòng xây dựng quê hương

Trên cánh đồng của xã Xuân Lộc một ngày đầu năm 2025, người dân tất bật gieo sạ vụ lúa mới. Từng là xã miền núi của huyện Phú Lộc cũ giáp với xã Hương Phú của huyện Nam Đông cũ, nay khi hai huyện về chung một nhà, người dân cảm nhận mảnh đất quê hương như cầu nối để huyện mới thêm phát triển. Ông Hồ Văn Yên, Trưởng bản Phúc Lộc, xã Xuân Lộc chia sẻ: “Bà con ai cũng phấn khởi, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, huyện Phú Lộc được mở rộng như mong muốn của người dân...”.

Ông Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc chia sẻ, cuối năm 2024, Xuân Lộc vinh dự được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần chung sức trong việc xây dựng và phát triển quê hương. Trong niềm vui chung khi Huế đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, địa phương xác định càng phải tập trung nỗ lực hết mình để tạo những chuyển biến mạnh mẽ hơn về KT-XH. “Năm 2024, xã có 11/11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó, 3 chỉ tiêu vượt là tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,33% (kế hoạch là 1,72%); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 79,3%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế toàn dân đạt 99%. Huyện Phú Lộc đã phát triển mạnh du lịch biển, suối thác. Phú Lộc và Nam Đông đã về chung một nhà, chúng tôi sẽ tận dụng mọi nguồn lực để phát huy gắn kết các địa phương trong huyện, hướng đến phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, trải nghiệm đời sống - văn hóa, du lịch của đồng bào dân tộc thiểu số dựa trên tiềm năng sẵn có”, ông Sinh nhấn mạnh.

 Người dân xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc gieo sạ vụ lúa mới

Cùng với xã Xuân Lộc, toàn huyện Phú Lộc đang tạo được sự đồng thuận, đồng lòng rất cao trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương và người dân để hướng đến mục tiêu chung là đoàn kết xây dựng huyện Phú Lộc lên tầm cao mới. Theo Bí thư Huyện ủy Phú Lộc, ông Lưu Đức Hoàn, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đặt quyết tâm cao nhất trong việc tập trung xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong đội ngũ lãnh đạo huyện và trong từng cơ quan, đơn vị. Tập trung xây dựng quy chế làm việc mới; kiện toàn các ban chỉ đạo; phân công, phân nhiệm rõ người, rõ việc trong từng cơ quan, đơn vị với tinh thần “người đông hơn thì phải mạnh hơn”. Tập trung xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025 dựa trên tiềm năng, thế mạnh sẵn có về phát triển du lịch, kinh tế biển, đầm phá, kinh tế rừng…

Dù khối lượng công việc sau khi sáp nhập huyện rất lớn, nhưng lãnh đạo địa phương, các phòng, ban, cơ quan chuyên môn luôn chủ động và khẩn trương trong thực hiện nhiệm vụ. Lãnh đạo huyện và các phòng, ban, đơn vị cũng bám cơ sở, vừa tuyên truyền, động viên vừa lắng nghe đóng góp ý kiến của người dân để tháo gỡ khó khăn. Điều đáng mừng là người dân rất đồng lòng, chung sức để xây dựng huyện Phú Lộc phát triển vững mạnh.

Tập trung phát triển kinh tế - xã hội

2025 là năm đặc biệt có ý nghĩa khi hai huyện cũ (Phú Lộc và Nam Đông) về chung một nhà, cũng là năm đầu tiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và cần khẳng định được vị thế xứng tầm. Nhiệm vụ đặt ra cho địa phương cửa ngõ phía nam của thành phố là cần làm gì để tăng trưởng kinh tế, góp phần giúp thành phố Huế phát triển.

Theo lãnh đạo UBND huyện Phú Lộc, thời gian tới, huyện tập trung triển khai hiệu quả các quy hoạch, đề án quan trọng của thành phố như: Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP. Huế) giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế (nay là TP. Huế) đến năm 2050, tầm nhìn đến năm 2065; quy hoạch chung huyện; Đề án phát triển KT-XH vùng Tam Giang - Cầu Hai… Bên cạnh đó, sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của từng vùng, miền; tiếp tục xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và công nghiệp tạo bước đột phá; nông nghiệp phát triển toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 13,3% trong năm 2025.

Huyện Phú Lộc cũng sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và chế biến, ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch (VietGAP), nông nghiệp hữu cơ và sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi mới tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác. Gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch, nhất là vùng biển, đầm phá.

Lãnh đạo UBND huyện Phú Lộc xác định, trên bước đường phát triển của huyện nhà, bên cạnh những thuận lợi sẽ có không ít khó khăn, thách thức nhưng với sự đồng lòng, đồng sức, đoàn kết của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương trong xây dựng huyện Phú Lộc thì một ngày không xa, bức tranh kinh tế - xã hội của huyện Phú Lộc sẽ rực rỡ hơn.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC