KTS. Võ Tuấn Anh (thứ 5, từ trái sang) và KTS. Phạm Đăng Nhật Thái (thứ 2 từ phải sang) tại lễ trao giải 

Đam mê, nghiên cứu nghệ thuật điêu khắc Điềm Phùng Thị đã lâu, kiến trúc sư (KTS) Phạm Đăng Nhật Thái (sinh 1981, hiện là giảng viên Khoa Kiến trúc của Trường Đại học Khoa học) đã có cho mình nhiều tác phẩm, công trình được sáng tạo, phát triển từ 7 ký tự của bà. Tìm hiểu từ năm 2021 và theo đuổi đến bây giờ, KTS. Nhật Thái thường xuyên đưa nghệ thuật Điềm Phùng Thị vào bài giảng cho sinh viên. Việc tiếp cận sâu với nghệ thuật 7 ký tự Điềm Phùng Thị đã góp phần lan tỏa nguồn cảm hứng, góc nhìn kiến trúc sáng tạo hơn cho sinh viên. Từ nguồn cảm hứng ấy, thầy Thái luôn mong muốn đưa nghệ thuật Điềm Phùng Thị ra cuộc sống thông qua việc áp dụng 7 mô-đun nghệ thuật của bà vào kiến trúc và đời sống.

Với công trình lan can cầu Kho Rèn, thầy Thái đã tạo nên một ví dụ điển hình về cách di sản văn hóa được kết hợp hài hòa với kiến trúc đương đại, tạo nên một hình tượng độc đáo và giàu tính nghệ thuật mà ông trìu mến gọi là “Những trái tim Huế” - như một lời một lời tri ân của những người đương đại gửi đến Điềm Phùng Thị. Ông cũng nghiên cứu tạo nên “Bộ đồ chơi lắp ghép trẻ em” từ 7 sắc cầu vồng cùng với 7 mô-đun Điềm Phùng Thị, hướng đến sử dụng trong giáo dục mỹ thuật trong trường học. Cùng với hai công trình trên, trong thời gian tới, cầu Điềm Phùng Thị (nằm trên trục đường Điềm Phùng Thị bắc qua nhánh sông Như Ý) sẽ được triển khai từ thiết kế của thầy Thái dựa trên ý tưởng của tác phẩm điêu khắc gỗ “Thuyền lơ lửng”. Việc ứng dụng nghệ thuật Điềm Phùng Thị với kiến trúc, đời sống không chỉ đơn thuần là trang trí, xây dựng công trình mà còn là một sự tôn vinh di sản văn hóa mang đậm bản sắc Huế của một người phụ nữ tài hoa luôn mang trong mình tình yêu thiết tha với Huế. Và với thầy Nhật, công trình “Ứng dụng nghệ thuật Điềm Phùng Thị trong kiến trúc và đời sống” đã giúp thầy đạt giải B chuyên ngành Kiến trúc tại Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô lần thứ VII.

Cùng giải B, thầy Võ Tuấn Anh (sinh 1980), tham gia Giải thưởng VHNT Cố đô với “Lê Minh Lăng”, công trình xây dựng tư gia họ Lê Minh (Xuân Thiên Thượng, Vinh Xuân, Phú Vang). Không gian kết nối tâm linh này được thầy Tuấn Anh hoàn chỉnh các trục “Gia đạo”, “Nội thân”, “Ngoại thân”, đáp ứng các quy tắc phong thủy cũng như yêu cầu về không gian thoáng đãng, trang nghiêm tạo nên một công trình tâm linh có tính nghệ thuật cao. Là giảng viên khoa Kiến trúc dân dụng và công nghiệp, thầy Tuấn Anh tâm sự: “Đặc thù của Trường Đại học Khoa học là nghiên cứu khoa học với nhiều ngành, trong đó ngành kiến trúc không chỉ là ngành học thuật mà còn phải đi đôi với sản xuất”. Chính vì thế, để có thể có những bài giảng hay, chất lượng, thì các thầy cô giáo cần có những trải nghiệm thực tế mà ở đây là những công trình kiến trúc, và đây cũng là cơ hội để họ đến với giải thưởng.

Với TS. Lê Vũ Trường Giang, đề tài “Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai: Tiếp nhận từ văn hóa dân gian, tri thức bản địa hướng đến du lịch sinh thái cộng đồng” của anh được hội đồng đánh giá cao và nhận giải B chuyên ngành Văn nghệ dân gian. Tổng hợp những câu chuyện dân gian và nét văn hóa tiêu biểu của vùng đầm phá Tam Giang, ấn phẩm mới mẻ này đã văn bản hóa những câu chuyện sông nước của những cư dân “thủy canh” vốn gần gũi văn nói.

PGS.TS. Hồ Thế Hà góp mặt với công trình “Những tiêu điểm thẩm mỹ thơ”, là một góc nhìn mới khá độc đáo về thơ ca hiện đại Việt Nam. Bằng cách phân tích đa dạng, phương pháp phê bình có tính hệ thống cao, tác giả Hồ Thế Hà đã giúp người đọc mở rộng hiểu biết về thơ ca hiện đại, có thêm cái nhìn tổng quan được coi là sâu sắc hơn về một số tác phẩm đã định hình được giá trị. “Những tiêu điểm thẩm mỹ thơ” là một ví dụ điển hình cho việc kết hợp giữa lý thuyết phê bình và thực tiễn phân tích tác phẩm, góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận phê bình văn học Việt Nam.

Lĩnh vực văn học còn có một giải thưởng của TS. Phan Tuấn Anh với công trình "Văn học Việt Nam đổi mới - từ những điểm nhìn tham chiếu". Là một cây bút dự phần vào giai đoạn văn học Việt Nam đương đại và giảng dạy văn học, có cơ hội quan sát và nghiên cứu những hiện tượng văn học nước nhà đang diễn ra, anh lựa chọn theo đuổi đề tài này. TS. Phan Tuấn Anh chia sẻ: “Theo tôi, chúng ta đang sống, viết và đọc trong một giai đoạn văn học có nhiều cách tân, đổi mới theo hướng dân chủ, khai phóng, tôn trọng những cái khác. Việc nghiên cứu về văn học đương đại, những vấn đề văn chương đang diễn ra là trách nhiệm của người cầm bút”.

“Huế lại là mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi quy tụ và kết nối của rất nhiều văn nghệ sĩ tài năng, rất nhiều tác phẩm xuất sắc nổi bật được sáng tạo trong chu kỳ 5 năm, nên việc đoạt giải là rất khó khăn, gay cấn, đòi hỏi đôi khi là cả sự may mắn” - đây là tâm sự của TS Tuấn Anh nói riêng nhưng cũng là tâm sự chung của những nhà giáo tích cực nghiên cứu văn học nghệ thuật ở Trường Đại học Khoa học. Giải thưởng ấy không chỉ là niềm vinh dự cá nhân mà còn ghi dấu tự hào cho một cơ sở giáo dục bậc đại học, khẳng định vị thế của đơn vị dẫn đầu trong nghiên cứu học tập cơ bản, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của miền Trung và cả nước.

Bài, ảnh: Phạm Phước Châu