Anh Lợi sơn chậu để tăng tính thẩm mỹ, bán được giá cao hơn

Con đường liên thôn uốn lượn giữa những thửa ruộng đã sạ xong trải dài dưới ánh nắng ấm áp. Phú Hồ là xã thuần nông, 95% người dân sinh sống bằng nghề trồng lúa. Thật bất ngờ khi đến giữa thôn Sư Lỗ, chúng tôi “gặp” vườn hoa cúc bát ngát. Những chậu cúc lá xanh tươi, sum suê, hai vòng tay mới ôm xuể. Ông Bùi Vĩnh Phú, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hồ hồ hởi: “Thấy vườn cúc như thế này là thấy cái tết ấm no. Đây là công sức, trí tuệ của anh Nguyễn Văn Lợi - gương điển hình, làm giàu từ hoa cúc”.

Đang cặm cụi chăm sóc cúc, anh Lợi nở nụ cười thật tươi “khoe” những chậu cúc to, đẹp nhất sẽ có giá tầm 5 triệu đồng một cặp; mỗi năm, đều được một số cơ quan trên địa bàn TP. Huế đặt hàng. “Tôi trồng hoa cúc đã 13 năm, mỗi năm trồng tầm 1.000 chậu. Xây dựng được nhà cửa tiền tỷ, mua được đất đai, cuộc sống ngày càng tốt đẹp đều nhờ hoa cúc” - anh Lợi bộc bạch.

Khi chưa “bén duyên” với hoa cúc, anh Lợi từng làm rất nhiều công việc để mưu sinh: Trồng lúa, nuôi bò, nuôi heo, bán cà phê, sửa chữa linh kiện điện tử… Tất bật quanh năm cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống. Khát khao làm giàu ngay trên đất quê hương, anh Lợi tìm hiểu kỹ càng rồi quyết định cùng với một người bạn bắt tay trồng hoa cúc. Anh Lợi lo vốn, người bạn đảm bảo kỹ thuật. Vừa làm, vừa chăm chỉ học hỏi, anh Lợi đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý báu và ngày càng đam mê với nghề. Vậy nên, khi người bạn “rẽ” sang công việc khác, một mình anh Lợi vẫn tự tin tiếp tục với những mùa hoa cúc thắng lợi.

“Muốn đạt hiệu quả cao nhất phải toàn tâm toàn ý trong từng khâu chăm sóc. Ngay từ đầu, quá trình ủ đất (3 tháng) là một trong những khâu quan trọng nhất về kỹ thuật. Phải nắm vững tỷ lệ để trộn trấu, phân lân, các loại phân, vôi…, đánh tơi, ủ lại, để tạo đất tơi xốp, khử được chua phèn, các loại nấm độc và các côn trùng gây hại, tăng dinh dưỡng cho cây” - anh Lợi chia sẻ về quy trình và các biện pháp để trồng hoa cúc đạt hiệu quả cao.

Sau khi ủ đất, anh Lợi liền “xắn tay” đúc chậu. Từ lúc đưa cây giống vào chậu đến lúc xuất bán là 6 tháng. Thời gian này, người trồng phải theo sát, tưới nước, bấm bớt nụ hoa, chỉ để lại số lượng vừa đủ, để bông hoa phát triển to nhất, cắm vè để định hình, tạo dáng chậu cho tròn và giữ cây cho cứng… “Không có kỹ thuật sao hoa đẹp? Nếu trồng mà không cắm vè, mỗi chậu hoa chỉ bán được nửa giá. Các địa phương khác trồng hoa cúc rất nhiều nhưng ai am hiểu kỹ thuật hơn sẽ làm được các chậu hoa đẹp hơn, mang tính thẩm mỹ cao nên giá thành cũng cao hơn và được người "chơi" lựa chọn” - anh Lợi cho hay.

Nhờ nắm chắc kỹ thuật nên vụ hoa nào anh Lợi cũng “thắng”. 1.000 chậu cúc mỗi năm cho lãi ròng khoảng 150 triệu đồng. Dân “gốc lúa” nên dù phát triển hoa cúc, anh Lợi vẫn “bám” ruộng. Canh tác trên 1 mẫu ruộng, mỗi năm 2 vụ lúa, ngoài phục vụ nhu cầu của gia đình, anh Lợi thu lãi ròng tầm 30 triệu đồng.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hồ nói rằng, rất tự hào vì anh Lợi đã nhiều lần được Hội Nông dân TP. Huế tặng Bằng khen. Điều đáng trân trọng hơn là thời gian qua, anh Lợi luôn sẵn lòng, tận tình chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật cho những người trồng hoa cúc trong và ngoài địa phương. Khi đảm nhiệm cương vị Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp mô hình trồng hoa cúc của xã, anh Lợi càng phát huy vai trò người đứng đầu, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm với các hội viên, cùng giúp nhau phát triển kinh tế hiệu quả.  

Bài, ảnh: QUỲNH ANH