Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo phát biểu tại một sự kiện.  Ảnh minh họa: Báo Tin Tức

Theo bộ trưởng Enrique Manalo, mặc dù các khối khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) luôn có cam kết chặt chẽ, nhưng vào thời điểm bất ổn toàn cầu, việc thiết lập các cuộc đối thoại từ cấp đa phương, khu vực đến tiểu khu vực và song phương cũng như các mối quan hệ với đối tác ngoài khối cũng đều khả thi.

“Không có lý do gì mà các cuộc đối thoại hoặc sáng kiến khu vực đa phương khác hỗ trợ cho ASEAN hoặc những sáng kiến liên quan đến ASEAN với các bên khác lại không được khai thác”, ông nhấn mạnh.

Trong bài phát biểu quan trọng có tựa đề “Liệu tinh thần hợp tác có thể tỏa sáng trong thời kỳ hỗn loạn?”, vị bộ trưởng nhấn mạnh đến nhu cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách đầu tư vào nguồn nhân lực, xây dựng chuỗi cung ứng tích hợp và phục hồi tốt hơn, cũng như tăng cường kết nối.

Bộ trưởng Enrique Manalo cũng trích dẫn sự xuất hiện của các phương thức hợp tác mới, khi các quốc gia ngoài các siêu cường toàn cầu đang tích cực định hình chương trình nghị sự khu vực và thế giới để tìm ra giải pháp phù hợp với thực tế của từng quốc gia. Cụ thể, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines, cùng nhiều nước khác, đã thiết lập các mô hình hợp tác phát triển mới bên ngoài nguồn tài trợ của phương Tây. Cùng với đó, vào tháng 11/2022, biên bản ghi nhớ (MOU) về Kết nối thanh toán khu vực (RPC) đã được ký kết giữa Philippines, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia nhằm tăng cường và nâng cao sự hợp tác về kết nối thanh toán thông qua việc phát triển các khoản thanh toán xuyên biên giới hiệu quả và toàn diện hơn.

Tháng 4/2024, Brunei và Lào trở thành những quốc gia mới nhất tham gia hợp tác sau khi Việt Nam gia nhập vào năm 2023, nâng tổng số chạm mốc 8 quốc gia tham gia hợp tác…

Ngoài việc kêu gọi xây dựng quan hệ hợp tác mạnh mẽ hơn, bộ trưởng Enrique Manalo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các tổ chức toàn cầu và khu vực, đơn cử như Liên hợp quốc và ASEAN.

Ở cấp độ khu vực, ASEAN tượng trưng cho “chiến thắng của ý chí của các quốc gia vì hòa bình và hợp tác”. Các cách tiếp cận mang tính xây dựng và toàn diện của ASEAN, cùng với chiều sâu và chiều rộng của các quan hệ đối thoại tiếp tục thúc đẩy nhiều loại hình hợp tác giữa các quốc gia thành viên và với các đối tác bên ngoài.

Trong một thông tin có liên quan, theo nhận định của lãnh đạo Philippines, lĩnh vực có tầm quan trọng đặc biệt trong việc tăng cường hợp tác ở Châu Á - Thái Bình Dương là quản lý tài sản chung toàn cầu, đặc biệt là tài sản chung trên biển của khu vực. Nhân đây, bộ trưởng Enrique Manalo kêu gọi các quốc gia ASEAN và Trung Quốc “kiên trì” đưa ra một bộ quy tắc ứng xử đáng tin cậy và hiệu quả cho Biển Đông.

HẠNH NHI

(Lược dịch từ CNA)