Tuyên truyền chính sách bảo hiểm đến người lao động |
Tăng số lượng người tham gia
Để phát triển người tham gia các loại hình bảo hiểm, hàng năm, UBND thành phố Huế giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho các huyện, thị xã, quận, từ đó UBND huyện, thị xã, quận giao chỉ tiêu cho các xã, phường, thị trấn, đồng thời lấy kết quả phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các địa phương và đơn vị có liên quan.
Cùng với đó, UBND thành phố Huế giao cơ quan BHXH thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thanh, kiểm tra, giám sát các đơn vị, doanh nghiệp trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người tham gia và thụ hưởng.
Theo Giám đốc BHXH thành phố Huế, ông Nguyễn Viết Dũng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính sách BHXH, BHYT đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực. Theo đó, diện bao phủ BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng, số người tham gia BHXH bắt buộc tăng từ 35 ngàn người năm 1995 lên 132 ngàn người vào cuối năm 2024 (gấp 3,8 lần); số người tham gia BHXH tự nguyện tăng từ 40 người năm 2008 lên hơn 21 ngàn người (gấp 525 lần); số người tham gia BHTN tăng từ 66 ngàn người năm 2009 lên 124 ngàn người (gấp 1,9 lần). Số người tham gia BHYT tăng từ 126 ngàn người năm 1995 lên gần 1.163 ngàn người vào cuối năm 2024 (gấp 9,3 lần), đạt tỷ lệ bao phủ trên 99% dân số. Hàng năm, quỹ BHYT chi trả gần 3 ngàn tỷ đồng cho việc khám và điều trị bệnh; đảm bảo kinh phí chi lương hưu, trợ cấp BHXH thường xuyên, chi ốm đau, thai sản và chi trợ cấp cho người lao động bị thất nghiệp hơn 3 ngàn tỷ đồng.
Cùng với việc phát triển số lượng người tham gia các loại hình bảo hiểm, BHXH thành phố Huế đã phát huy có hiệu quả vai trò của công tác thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch. Riêng năm 2024 thông qua thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị truy thu BHXH, BHTN, BHYT gần 4 tỷ đồng do chưa tham gia, tham gia thiếu thời gian hoặc sai mức lương cho người lao động, thanh toán chế độ BHXH ngắn hạn không đúng quy định.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Thời gian qua, BHXH thành phố đã tập trung, quyết liệt triển khai công tác chuyển đổi số, trọng tâm là Đề án số 06 của Chính phủ ở lĩnh vực BHXH, BHYT, mang lại nhiều lợi ích, tiện ích cho người tham gia, thụ hưởng chính sách và được người dân, doanh nghiệp (DN) hưởng ứng. Hiện, tất cả thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên nhiều nền tảng, hình thức; 100% người dân và DN sử dụng dịch vụ trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên Hệ thống Giao dịch BHXH điện tử của BHXH Việt Nam; 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính của ngành đã được số hóa (trả kết quả bản điện tử).
Để đáp ứng nhu cầu của người dân và DN, BHXH thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, xác thực, đồng bộ cơ sở dữ liệu (CSDL) về BHXH, BHYT với CSDL quốc gia về dân cư. Tính đến nay, đã xác thực đúng với CSDL quốc gia về dân cư với số lượng 1.116.482 trên tổng số người tham gia BHXH, BHYT là 1.164.310 người, đạt 99,67%; 100% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân với 1.225.211 lượt tra cứu; trong đó, có 1.121.083 lượt tra cứu thành công phục vụ khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp.
Thời gian tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, trong đó trọng tâm là xác thực, đồng bộ CSDL về BHXH, BHYT với CSDL quốc gia về dân cư; vận động tăng người hưởng BHXH nhận tiền qua tài khoản ngân hàng; triển khai thí điểm Hồ sơ sức khỏe điện tử liên thông với dữ liệu hệ thống thông tin giám định BHYT, đồng thời tăng cường hướng dẫn người dân cài đặt sử dụng VssID...
Nhiệm vụ quan trọng nữa được BHXH thành phố tập trung triển khai là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH, BHYT, BHTN nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân và các chủ sử dụng lao động trên địa bàn. Trong đó, đơn vị tiếp tục đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền; phân tích, xác định nhóm người hưởng tiềm năng; phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm, các đơn vị sử dụng lao động hướng dẫn người lao động khai báo thông tin tài khoản để nhận chế độ qua tài khoản cá nhân ngay từ khi lập hồ sơ đề nghị hưởng các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp và một số khoản khác. Những nỗ lực này nhằm giúp người hưởng tiết giảm thời gian, công sức đi lại, đồng thời thực hiện đúng chủ trương chung của Chính phủ, ngành BHXH Việt Nam và UBND thành phố về việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn.