Lực lượng bộ đội biên phòng tham gia gia cố bờ biển mùa mưa bão. Ảnh: Hồ Ngọc Minh |
Hơn 10km sạt lở
Theo thống kê của các địa phương vùng ven biển, tốc độ xói lở trung bình hàng năm từ 5-7m, có nơi từ 20- 30m, đe dọa, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của hơn 1.000 hộ dân sống sát bờ biển, các tuyến tỉnh lộ, Quốc Lộ 49B và các công trình cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội, du lịch dịch vụ, an ninh quốc phòng, hệ sinh thái của đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.
Trong đó, các đoạn bờ biển bị sạt lở nặng cần phải xử lý khẩn cấp gồm khu vực giáp ranh phường Thuận An, quận Thuận Hóa với xã Phú Thuận, huyện Phú Vang trên chiều dài 1km và đoạn bờ biển qua xã Giang Hải – Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc trên chiều dài 1km với tổng kinh phí để thực hiện khẩn cấp cần khoảng 400 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quang Dân, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (Phú Vang) cho biết, hiện trạng sạt lở bờ biển đoạn giáp ranh phường Thuận An và xã Phú Thuận đoạn từ K39 + 000 - K40 + 000, bờ biển xâm thực sâu vào đất liền từ 50-70m, làm ảnh hưởng lâu dài đến công trình hạ tầng thiết yếu và nguy cơ mở cửa biển mới. Thực hiện công trình kè chống sạt lở khẩn cấp khu vực này sẽ bảo vệ hơn 500 hộ dân, bảo vệ tuyến đường ven biển, các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng biển, bảo vệ rừng phòng hộ và công trình hạ tầng thiết yếu ở các địa phương.
Tương tự, hiện trạng bờ biển khu vực qua xã Giang Hải – Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc cũng bị xâm thực sâu vào đất liền từ 5- 10m, làm ảnh hưởng 100 hộ dân, công trình hạ tầng thiết yếu. Nếu công trình kè biển xử lý sạt lở khẩn cấp được đầu tư kịp thời sẽ bảo vệ hơn 100 hộ dân, tuyến đường ven biển và công trình hạ tầng thiết yếu.
Ngoài ra, thiên tai đã gây xâm thực, xói lở và bồi lắng các cửa biển Thuận An, Tư Hiền, Lăng Cô, Lạch Giang làm tăng nguy cơ mất ổn định tự nhiên và ảnh hưởng đến dòng chảy thoát lũ, luồng tuyến hoạt động khoảng 2.000 tàu thuyền đánh bắt xa bờ ra vào các cửa biển, cũng như các tàu chở hàng với tải trọng đến 2.000 tấn ra vào cảng Thuận An.
Dự án xây dựng kè, chỉnh trị cửa biển Tư Hiền (Phú Lộc) |
Đồng bộ giải pháp
Ông Lê Văn Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong điều kiện khả năng cân đối ngân sách còn nhiều hạn chế, các cấp, ngành đã thực hiện các giải pháp cấp bách để xử lý các điểm sạt lở bờ biển xung yếu và xử lý bồi lấp các cửa biển. Riêng nguồn lực đầu tư để xây dựng kè chống sạt lở, ổn định bờ biển rất lớn, hiện khả năng cân đối nguồn vốn của thành phố đang còn khó khăn nên không thể triển khai thực hiện cùng lúc các dự án.
Vì vậy, để hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra, hàng năm, UBND thành phố thường xuyên chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương triển khai các biện pháp bố trí tiêu vè, rào chắn, lắp dựng các biển cảnh báo tại các khu vực sạt lở nguy hiểm, chủ động di dời, sơ tán người dân, dự trữ vật tư dự phòng để xử lý khẩn cấp tạm thời khi có thiên tai xảy ra.
Trước mắt, các địa phương tiếp tục theo dõi tình hình diễn biến sạt lở để có biện pháp xử lý kịp thời ở những khu vực nguy hiểm, có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân, các công trình hạ tầng thiết yếu. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã lập quy hoạch thủy lợi đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.
Theo Chi cục Thủy lợi, thời gian qua, từ nguồn vốn của Trung ương, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác, thành phố đã đầu tư kè chống xói lở bờ biển các đoạn xung yếu, nguy hiểm với chiều dài hơn 9,8km, gồm các đoạn qua phường Thuận An 0,7km; qua xã Quảng Công 1,5km; qua xã Phú Thuận dài 3,86km và qua xã Giang Hải 3,4km…, với tổng kinh phí khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Hiện nay các công trình kè chống sạt lở đang hoạt động bình thường, phát huy được hiệu quả trong phòng, chống thiên tai, hạn chế tình trạng xâm thực, bảo vệ an toàn cho tài sản, tính mạng của người dân.
Hiện này, thành phố đã và đang triển khai 2 dự án (DA) kè chống sạt lở bờ biển qua địa bàn xã Phú Thuận, huyện Phú Vang với tổng chiều dài tuyến đê ngầm giảm sóng 1,1km, tổng chiều dài tuyến kè bờ dài 1,2km, hệ thống 2 mỏ hàn 300m. Trong đó: DA Xử lý sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận, xã Phú Hải, huyện Phú Vang có tuyến đê ngầm giảm sóng dài 550m và tuyến kè bờ khoảng 360m. DA Kè chống sạt lở bờ biển đoạn qua thôn Tân An - Trung An - Xuân An, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang có tuyến đê ngầm giảm sóng dài 550m và tuyến kè bờ 850m, hệ thống 2 mỏ hàn 300m với tổng kinh phí khoảng 250 tỷ đồng, bằng nguồn kinh phí khắc phục hậu quả thiên tại năm 2023 và nguồn ngân sách tỉnh.
Các công trình kè đang xây dựng có vai trò ngăn chặn sự xói lở, xâm thực bờ biển, bảo vệ an toàn cho người dân khu dân cư tập trung, hình thành diện tích đất rừng phòng hộ ven biển và phát triển dịch vụ du lịch biển khu vực Thuận An, Phú Thuận, Phú Hải.