Hướng dẫn các em đọc những điều bổ ích |
Yêu thương
Nụ cười thật ấm, khi cô giáo Lê Thị Thu Hương bộc bạch: Yêu thương, dạy dỗ, chăm chút để những thế hệ “mầm xanh” lớn lên, trưởng thành, khỏe mạnh cả về kiến thức lẫn tâm hồn, là trách nhiệm của những người “cầm phấn”. Ở cương vị người đứng đầu đơn vị, cô Hương càng tâm huyết, trăn trở làm thế nào để yêu thương thiết thực và hiệu quả nhất.
“Ở đây, học trò còn nhiều khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, nhất là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Đầu năm học, dựa vào danh sách học sinh, tôi rà soát, chia ra từng nhóm khó khăn riêng: Học sinh mồ côi cha; học sinh mồ côi mẹ, học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ; học sinh hoàn cảnh bố mẹ ly hôn; bố mẹ bỏ con ở nhà cho ông bà nội, ngoại để đi làm ăn xa… Căn cứ thực tế các nhóm khó khăn như vậy để bản thân tôi cùng ban giám hiệu nhà trường và các giáo viên chủ nhiệm dõi theo sát sao; kết nối mạnh thường quân, hỗ trợ học bổng hàng tháng, hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập, quần áo cho các em” - cô giáo Lê Thị Thu Hương chia sẻ.
Với chủ trương xây dựng mô hình “Chăm nuôi học sinh nghèo vượt khó”, trên cương vị Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng, cô giáo Trần Thị Thu Hương đã lãnh đạo chi bộ, lãnh đạo nhà trường xây dựng quỹ từ thiện nhân đạo. Thầy giáo Phan Phước Thái, Phó Bí thư Chi bộ và thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn, chi ủy viên, cùng 38 đảng viên trong chi bộ, một lòng hưởng ứng. Sự chung lòng, chung tay được đưa vào nghị quyết, biến yêu thương thành hành động.
Các đảng viên trích tiền lương, đóng góp hàng tháng. “Tùy theo khả năng, ai có lòng bao nhiêu thì đóng góp bấy nhiêu. Những cán bộ đảng viên trong cấp ủy nêu gương, tự nguyện đóng góp nhiều hơn. Yêu thương lan tỏa, quần chúng trong đơn vị cũng tích cực tham gia đóng góp. Đồng thời, chúng tôi luôn kết nối, vận động và được các mạnh thường quân hỗ trợ thường xuyên, hiệu quả” - cô Hương cho biết.
Từ những yêu thương, trong ngôi trường ở huyện biên giới xa xôi hiện có 10 em học sinh được chi bộ nhà trường chăm nuôi. Hàng tháng mỗi em được hỗ trợ 10kg gạo hoặc các loại nhu yếu phẩm thiết yếu cho cuộc sống. Một số em được “nâng bước tới trường” với 500 nghìn đồng mỗi tháng.
Quả ngọt
Những ánh mắt tin cậy của học trò cùng sự nỗ lực của các em trong học tập, rèn luyện là động lực để giáo viên Trường THCS Lê Lợi tin tưởng vào hiệu quả mà mô hình “Chăm nuôi học sinh nghèo vượt khó” mang lại. Tiếp nối “ngọn lửa” yêu thương mà nữ ‘thủ lĩnh” đơn vị đã khơi lên, các cô giáo Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trần Thị Thu Phương cũng xây dựng nguồn quỹ bằng sự đóng góp của học trò lớp mình chủ nhiệm qua việc nhịn ăn quà vặt hằng ngày để mỗi tháng tặng những phần quà thiết thực cho các bạn trong lớp, có hoàn cảnh khó khăn nhất. Đây cũng là cách giáo dục cho học trò thực hành sẻ chia bằng hành động. Để sau này, trong hành trang của các em không chỉ có kiến thức mà còn biết chia sẻ yêu thương.
Cô giáo Lê Thị Thu Hương bộc bạch, yêu thương chính là nguồn “dinh dưỡng” mà những người đứng trên bục giảng “tưới tắm” cho tâm hồn học trò, trong suốt sự nghiệp “trồng người”. Vậy nên bản thân cô Hương và rất nhiều thầy, cô giáo trong trường, dấu chân in mọi nẻo thôn, xóm, về với học trò có hoàn cảnh xa mẹ, vắng cha, hao khuyết mọi bề, để hiểu, để thương, để động viên, khích lệ, có những đồng hành, hỗ trợ bền bỉ. Bên cạnh hỗ trợ cho học trò, đầu năm học 2024-2025, cô Hương cũng kết nối và được mạnh thường quân hỗ trợ sơn sửa 10 lớp học với trị giá 800 triệu đồng.
Từ tâm huyết, nỗ lực của người đứng đầu đơn vị, sức mạnh đoàn kết và yêu thương của tập thể giáo viên nhà trường, kể từ khi cô giáo Lê Thị Thu Hương đến nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng, Trường THCS Lê Lợi đã xuất sắc bứt phá với những “quả ngọt” đáng trân trọng. Tỷ lệ học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi, xuất sắc mỗi năm học trên 40%. Nhiều học sinh đoạt giải cao tại các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện (năm học 2023 - 2024, trường đoạt giải nhất toàn bộ 9 môn học), cấp tỉnh. Có học trò đỗ vào Trường THPT chuyên Quốc Học - Huế.