Phải chung tay cùng nhau chấm dứt đói nghèo trên toàn cầu. Ảnh minh họa: cacnuoc.vn |
Là nơi sinh sống của hơn 40% người dân đang vật lộn với mức thu nhập dưới 2,15 USD/ngày, những quốc gia này là trọng tâm của nỗ lực toàn cầu nhắm chấm dứt tình trạng nghèo đói cùng cực. Tuy nhiên, tiến trình này đã bị đình trệ do xung đột gia tăng, khủng hoảng kinh tế thường xuyên và tăng trưởng yếu kéo dài.
Nếu không liên tục cải thiện tốc độ tăng trưởng, khả năng cao sẽ chỉ có 6 quốc gia thu nhập thấp hiện nay có thể tiến lên trạng thái là quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2050.
Nhà kinh tế trưởng và Phó Chủ tịch cấp cao về Kinh tế phát triển của Nhóm Ngân hàng Thế giới Indermit Gill nhấn mạnh: “25 năm tới là thời điểm quan trọng để các quốc gia nghèo nhất có cơ hội cải thiện và phần còn lại của thế giới có vai trò quan trọng trong việc giúp các nước thoát khỏi đói nghèo. Dù 15 năm qua, các quốc gia này hầu như không tăng trưởng về thu nhập bình quân đầu người, song chỉ một phần hỗ trợ nhỏ từ nước ngoài và chính sách trong nước tốt hơn cũng có thể tạo điều kiện cho tiến bộ kinh tế bền vững”.
Được biết, 25 trong tổng số 26 quốc gia có thu nhập thấp hiện nay là ở châu Phi cận Sahara và 17 trong số này bị tàn phá bởi xung đột, tính chất dễ bị tổn thương với tỷ lệ tử vong cao gấp 20 lần so với các nước đang phát triển khác. Hầu hết các quốc gia này đều dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, nợ nần cao… Tuy nhiên, những quốc gia nghèo nhất cũng sở hữu nhiều lợi thế tự nhiên, trong đó một số mỏ kim loại và khoáng sản lớn nhất để tạo ra và lưu trữ năng lượng tái tạo là ở các quốc gia có thu nhập thấp. Tiềm năng sản xuất năng lượng mặt trời của các nước này nằm trong số cao nhất thế giới. Ngoài ra, dân số trong độ tuổi lao động ở các nước này cũng đang mở rộng nhanh chóng, ngay cả khi lực lượng lao động đang thu hẹp dần ở hầu hết mọi nơi.
Cuộc chiến toàn cầu nhằm chấm dứt nghèo đói cùng cực sẽ không thể dành chiến thắng cho đến khi chiến thắng được nhìn thấy ở 26 quốc gia nghèo nhất, Phó Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới Ayhan Kose khẳng định. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách của từng quốc gia nói riêng và cộng đồng nói chung cần tăng cường hỗ trợ nhanh. Cùng với đó là các nước thu nhập thấp có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đã cải thiện lên thu nhập trung bình để cùng nhau tiến bộ.
(Lược dịch từ World Bank Group)