Sinh viên Khoa Giáo dục Mầm non Trường Đại học Sư phạm, ĐHH trong tiết thực hành làm đồ dùng học tập cho trẻ

Công cụ không thể thiếu

Một buổi học tập của sinh viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế (ĐHH) khá sôi nổi khi mà hầu hết các bạn sinh viên đều ứng dụng công nghệ thông tin vào học tập. Cần bất cứ thông tin gì ngay và luôn, các bạn chỉ cần cập nhật điện thoại hay laptop có internet, thay vì như trước đây phải mất thời gian để tìm trong sách vở, tư liệu...

 Sinh viên Đào Yến Nhi khẳng định, ứng dụng công nghệ thông minh đóng vai trò quan trọng trong việc học tập và đời sống của mình cũng như thế hệ trẻ ngày nay. Trong học tập, công nghệ thông minh giúp Nhi truy cập vào các nguồn tài liệu học tập, sách báo điện tử, các video bài giảng trực tuyến… một cách dễ dàng hơn. Yến Nhi có thể học tập mọi lúc mọi nơi chỉ với một thiết bị thông minh kết nối internet. Không chỉ hỗ trợ cho những bài học cụ thể, việc ứng dụng công nghệ thông minh còn giúp sinh viên như Nhi làm quen và rèn luyện các kỹ năng số cần thiết trong việc tìm kiếm thông tin, phân tích dữ liệu và tư duy logic.

Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng có thể trang bị các thiết bị công nghệ thông minh, hiện đại để phục vụ học tập và đời sống hàng ngày một cách dễ dàng. Một bộ phận sinh viên có hoàn cảnh khó khăn phải vay mượn để mua sắm, trang bị công nghệ giúp ích cho việc học tập của mình. Nhi chia sẻ, trước yêu cầu ứng dụng công nghệ thông minh như hiện nay, chúng em không còn cách nào khác phải trang bị cho mình các thiết bị cần thiết để phục vụ học tập, đời sống hàng ngày.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều sinh viên Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, ĐHH cho rằng, AI đang ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, và vai trò của nó đối với thế hệ trẻ hiện nay rất quan trọng. AI có thể giúp thế hệ trẻ khám phá các ngành nghề mới và các cơ hội nghề nghiệp, để từ đó có được định hướng sớm và trau dồi kiến thức phục vụ cho nghề nghiệp trong tương lai, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội…

Xu thế tất yếu

TS. Lê Hồ Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, ĐHH thông tin, từ năm 2018, nhà trường đã chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị đại học nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới và phát triển của thời đại 4.0. Trường đã áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào hệ thống phần mềm do đội ngũ công nghệ thông tin của nhà trường tự phát triển phục vụ cho công tác điều hành, hoạt động dạy và học.

Trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19, Trường Đại học Sư phạm, ĐHH là một trong những đơn vị tiên phong của cả nước triển khai dạy, học và kiểm tra đánh giá hoàn toàn theo hình thức trực tuyến. Thông qua hệ thống Elearning, trường đã cung cấp chương trình học cá nhân hóa cho từng sinh viên, phản hồi chi tiết cho từng giảng viên, giúp giảng viên kết nối sinh viên với mạng lưới rộng lớn ở trong và ngoài trường học.

Hiện tại, Trường Đại học Sư phạm, ĐHH đang chú trọng đầu tư xây dựng “Hệ sinh thái số” của nhà trường. Trong đó, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và máy học (Machine Learning) sẽ được đưa vào áp dụng. Nhà trường đang triển khai xây dựng các ứng dụng di động hỗ trợ cán bộ, giảng viên và sinh viên trên hệ điều hành Android và iOS, phục vụ thuận tiện cho công tác quản lý, điều hành hoạt động dạy và học của nhà trường.

Việc ứng dụng công nghệ thông minh vào quá trình điều hành, quản lý và giảng dạy, học tập trong nhà trường đã mang lại những lợi ích thiết thực và hỗ trợ tích cực cho công việc của nhà trường. Qua việc ứng dụng công nghệ thông minh vào hệ thống phần mềm của nhà trường, sinh viên được tiếp cận với nguồn tài liệu đa dạng và phong phú, lộ trình học tập phù hợp với từng cá nhân. Hệ thống phần mềm giúp giảng viên theo dõi tiến độ học tập, quản lý kết quả, giao bài tập hiệu quả; giúp giảng viên thu thập và phân tích dữ liệu từ quá trình học tập của sinh viên, từ đó điều chỉnh phương pháp giảng dạy phù hợp.

PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc ĐHH thông tin, với kinh nghiệm nhiều năm, ĐHH đã triển khai phương thức dạy học trực tuyến. Từ giữa thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, ĐHH tiên phong trong việc ứng dụng phương thức dạy học trực tuyến thông qua phần mềm Skype với những giảng viên quốc tế tham gia giảng dạy tại các đơn vị thuộc ĐHH. Từ năm 2018, ĐHH đã đi trước đón đầu xu thế khi các chuyên gia công nghệ thông tin và đội ngũ giảng viên của ĐHH xây dựng phần mềm dạy trực tuyến.

Trong đại dịch COVID-19, ĐHH nhanh chóng chuyển sang triển khai dạy học trực tuyến và là một trong số ít các cơ sở giáo dục đại học sớm triển khai dạy học theo hình thức này. Chỉ sau hai năm thực hiện, ĐHH từng bước hoàn thiện phần mềm, đáp ứng yêu cầu kiểm tra, đánh giá và mở rộng ra cho tất cả các hệ đào tạo. Tiên phong trong chuyển đổi số, ĐHH đồng hành với tỉnh, góp phần xây dựng thành phố Huế thành đô thị thông minh, giúp Huế dần trở thành địa phương nằm trong nhóm đầu của cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin; trong đó, có các ứng dụng hữu ích đáp ứng “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ.

Bài, ảnh: Hoàng Triều