Hoa Kỳ có nhu cầu với nhiều mặt hàng của Việt Nam.

Thị trường lớn nhưng không ít khó khăn

Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), doanh thu xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng 161% trong tháng 10 và 40% vào tháng 11.

Tuy nhiên, tôm - mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Hoa Kỳ cũng liên tục đối diện với các biện pháp phòng vệ thương mại từ thị trường này. Theo đó, cuối tháng 11/2023, Bộ Thương mại Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống trợ cấp với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Trước đó, năm 2013, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra chống trợ cấp với tôm Việt Nam, tuy nhiên đã chấm dứt mà không áp thuế do không có thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ.

Đối với việc điều tra chống trợ cấp, cuối tháng 10 vừa qua, Hoa Kỳ đã ban hành Kết luận cuối cùng của vụ việc. Theo đó, mức thuế chống trợ cấp dành cho bị đơn bắt buộc và các công ty xuất khẩu tôm khác của Việt Nam là 2,84%, thấp hơn khá nhiều so với các nước cùng bị điều tra (gồm Ecuador, Ấn Độ và Indonesia). Theo đó, mức thuế chống trợ cấp của Ấn Độ là 5,77-5,87% và Ecuador là 3,57-4,41%. Minh chứng từ ngành tôm cho thấy, thị trường Hoa Kỳ dù là thị trường lớn hàng đầu của hàng hoá Việt nhưng đang dựng lên rất nhiều rào cản cho hàng Việt.

Thống kê từ Tổng cục Thống kê, 11 tháng năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 108,9 tỷ USD, tăng 23,9%; kim ngạch nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 13,5 tỷ USD, tăng 7,3%; xuất siêu sang Hoa Kỳ đạt 95,4 tỷ USD tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ về tiềm năng thị trường Hoa Kỳ đối với hàng Việt Nam, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết, việc hai nước chính thức tuyên bố nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023 đã tạo nền tảng vững chắc, giúp cho hoạt động hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu, thực chất trên tất cả các trụ cột, trong đó trụ cột kinh tế-thương mại-đầu tư tiếp tục đóng vai trò là động lực trung tâm thúc đẩy quan hệ hai nước.

Thị trường Hoa Kỳ có nhu cầu với rất nhiều hàng hóa Việt Nam, từ nông lâm thuỷ sản đến hàng tiêu dùng, hàng điện tử. Đơn cử, tháng 6/2024, lô xoài tượng da xanh đầu tiên của Cần Thơ đã lên đường sang Hoa Kỳ bằng đường hàng không, với đơn vị xuất khẩu là Vina T&T Group - nhà xuất khẩu trái cây có tiếng của Việt Nam. Đây là lô xoài đầu tiên của Cần Thơ, nhưng với Vina T&T Group, doanh nghiệp này đã và đang xuất khẩu đều đặn hàng tuần các container hàng nông sản. Những đơn hàng dồn dập đi các thị trường, trong đó có Mỹ, đã góp phần làm nên doanh số gần 7 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu rau quả trong cả năm nay.

Sẵn sàng trước những rào cản

Bên cạnh những điểm sáng của thị trường Hoa Kỳ thì đây cũng được đánh giá là thị trường có nhiều rào cản đối với hàng Việt. Theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hoa Kỳ hiện là nước đứng đầu trên thế giới về việc điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, cũng là nước điều tra, áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại nhất với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam. Đến nay, quốc gia này đã tiến hành điều tra 64 vụ trên tổng số 267 vụ việc nước ngoài điều tra với nước ta (chiếm 25%), bao gồm 28 vụ việc chống bán phá giá, 11 vụ việc chống trợ cấp, 22 vụ việc chống lẩn tránh thuế và 03 vụ việc tự vệ.

Mới đây nhất, ngày 20/11, Hoa Kỳ ban hành Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với 2 sản phẩm là xơ sợi staple nhân tạo từ polyeste và vỏ viên nhộng cứng nhập khẩu.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, với mức độ thâm hụt thương mại đứng thứ 3 trong tổng số đối tác của Hoa Kỳ, Việt Nam đứng trước nguy cơ có thể phải chịu mức thuế tương tự Trung Quốc ở giai đoạn đầu (15%) và có thể tăng dần nếu tình hình thâm hụt thương mại không được cải thiện cũng như những thỏa thuận của Việt Nam với Hoa Kỳ không được thực thi. Điều đáng lo ngại là sẽ áp dụng với toàn bộ hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, không phải chỉ riêng hàng hóa có liên quan đến Trung Quốc (đầu tư, nguyên liệu, nhân công…). Do đó, nhiệm vụ trước mắt là cần lưu tâm giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại, dù cơ bản điều này thể hiện cơ cấu ngoại thương mỗi nước mang tính bổ trợ và không cạnh tranh trực tiếp.

Về phía các ngành hàng, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông VASEP khuyến cáo, các sản phẩm thủy sản xuất khẩu phải tuân thủ đầy đủ các quy định của FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) bao gồm các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, các doanh nghiệp cần bảo đảm các tiêu chuẩn về sản xuất bền vững và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt từ khâu nuôi trồng đến chế biến để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường Hoa Kỳ.

Khách hàng và người tiêu dùng Hoa Kỳ ngày càng quan tâm đến các vấn đề liên quan đến bền vững, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Do đó, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nên áp dụng các phương pháp nuôi trồng bền vững, như nuôi tôm sạch, và nuôi trồng thủy sản theo các tiêu chuẩn quốc tế (GlobalGAP, ASC, MSC) để nâng cao uy tín và đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Dưới góc độ chuyên gia, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho biết, việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ sẽ có nhiều tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của các nước trong đó có Việt Nam. Chính sách của ông Donald Trump hướng đến Hoa Kỳ, Hoa Kỳ là trên hết, do đó, có thể đánh thuế cao đối với hàng nhập khẩu và một số quốc gia.

Bên cạnh đó, thị trường Hoa Kỳ vẫn có những đòi hỏi về yêu cầu hàng hóa để đảm bảo hàng xuất khẩu vào nước họ phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, vì vậy, chúng ta cũng phải tự vươn lên để đáp ứng các tiêu chuẩn mà họ đặt ra.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc bị đánh thuế cao hơn có thể dẫn tới xu hướng đầu tư mạnh mẽ của Trung Quốc sang Việt Nam. Trong một số trường hợp có thể với mục đích dùng Việt Nam làm nơi “trung chuyển” để gian lận thương mại, lẩn tránh thuế, dẫn đến việc tiếp nhận dịch chuyển một số lượng lớn các dự án đầu tư từ Trung Quốc cũng là một rủi ro đáng kể trong thời gian tới trong khi Việt Nam không có biện pháp hạn chế thu hút đầu tư một quốc gia cụ thể trong hệ thống chính sách hiện nay. Do vậy, các bộ, ngành, địa phương liên quan, cần tăng cường giám sát cấp phép các dự án đầu tư mới, sàng lọc vốn đầu tư để tránh trường hợp Việt Nam trở thành địa điểm trung chuyển. Trong đó, lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất có thể dệt may, da giày, thủy sản, điện tử và đồ gỗ.

Theo nhandan.vn