Tuyên truyền kiến thức về sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên được lồng ghép trong các hoạt động của các trường học (ảnh Trường THCS DTNT A Lưới)

Mới nghe về những kiến thức sức khỏe sinh sản (SKSS) tuổi vị thành niên, em Phạm Thị Than (16 tuổi, xã Thượng Long, huyện Phú Lộc) đã bày tỏ sự ngại ngùng. Tuy nhiên, sau nhiều lần được tiếp cận với những kiến thức SKSS trong những buổi sinh hoạt câu lạc bộ ở trường, ở lớp, Phạm Thị Than đã trang bị cho mình những kiến thức hữu ích và mạnh dạn hơn khi nói về những vấn đề này. “Em biết thế nào là quyền SKSS, sức khỏe tình dục của trẻ vị thành niên, quyền được giáo dục, bảo vệ khỏi ngược đãi, bạo hành. Cũng nhờ có kiến thức mà em không những tự tin lên tiếng trước cái sai, mà còn có cho mình những định hướng trong tương lai”, Than bộc bạch.

Ở trường, Lê Thị Thảo Mai, lớp 9, Trường THCS Dân tộc nội trú A Lưới cũng thường xuyên được tìm hiểu và trang bị những kiến thức về SKSS đối với trẻ vị thành niên. “Khi mạnh dạn tìm hiểu, em không những có thêm kiến thức mà còn có thêm kỹ năng để tự chăm sóc SKSS cho bản thân, biết cách tránh xa các tệ nạn. Em cũng như các bạn, khi tìm hiểu về những nội dung này đã biết chọn lọc thông tin, tiếp nhận được những điều đúng để giúp bản thân hạn chế được những rủi ro”, Thảo Mai chia sẻ.

Giới trẻ - đặc biệt trẻ vị thành niên, là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều chiều từ sự phát triển nhanh chóng của internet. Việc nâng cao nhận thức để các em an toàn trên không gian mạng là một điều hết sức quan trọng. Không gian mạng hỗ trợ tích cực việc truyền thông về SKSS cho trẻ thành niên, vị thành niên. Nhưng cũng chính môi trường này, một khi không được kiểm soát chặt chẽ, lại là "cánh cửa đen tối" dẫn trẻ đến "thế giới người lớn" khi bản thân trẻ chưa được trang bị kiến thức về hậu quả của việc quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn và những hệ lụy nghiêm trọng nếu mang thai ngoài ý muốn...

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Dân số và Phát triển thành phố, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở Phú Lộc và A Lưới giảm còn 2,29% (vượt kế hoạch đặt ra < 3,5%); tính đến thời điểm hiện nay, toàn thành phố có 15 cặp tảo hôn.

 Ban Chỉ đạo Dân số và Phát triển thành phố đã và đang đẩy mạnh công tác chăm sóc SKSS cho trẻ vị thành niên. Trong đó, các trạm y tế tuyến xã đã phối hợp với các trường học tại địa phương để tổ chức hoạt động khám, kiểm tra sức khỏe cho 9.738 trẻ vị thành niên, thanh niên. Phối hợp với Trung tâm Y tế huyện A Lưới tổ chức 2 lớp tập huấn cung cấp thông tin về kỹ năng quản lý, điều hành CLB Tiền hôn nhân và chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên cho Ban chủ nhiệm CLB và các thành viên CLB mới triển khai tại trường THCS Trần Hưng Đạo; Trường THCS A Roàng của huyện A Lưới. Phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc (2 cụm), A Lưới (1 cụm) dựng pano tuyên truyền phòng, chống “Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”. Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành cấp thành phố truyền thông về cách chăm SKSS vị thành niên, thanh niên; về tình dục an toàn... cho học sinh Trường Dân tộc nội trú thành phố, Trường Dân tộc nội trú huyện A Lưới, Trường THCS-THPT Trường Sơn (A Lưới) và Trường Dân tộc nội trú huyện Phú Lộc.

Bà Trần Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội LHPN thành phố cho biết: Để giúp trẻ em dân tộc thiểu số được bảo vệ tốt hơn trước những nguy cơ xâm hại, giảm thiểu nguy cơ bỏ học và quyền SKSS được thực hiện, Hội LHPN thành phố đã và đang tổ chức nhiều hoạt động phối hợp với chính quyền các trường học, tổ chức các khóa tập huấn cho giáo viên phụ trách công tác đoàn, đội ở các trường về các quyền của trẻ. Tổ chức 6 cuộc đối thoại giữa lãnh đạo chính quyền địa phương và cha mẹ trẻ em, hỗ trợ thành lập các câu lạc bộ "Quyền trẻ em"; tổ chức giao lưu cộng đồng cho trẻ em để tuyên truyền kiến thức, kỹ năng về quyền trẻ em, quyền SKSS; tổ chức 12 lớp tập huấn cho cha mẹ của những trẻ em dễ bị tổn thương về các kỹ năng cần thiết tự bảo vệ mình, chăm sóc SKSS và các hoạt động truyền thông, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm về chăm sóc SKSS, phòng tránh xâm hại, giảm nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... Khi trẻ em có kiến thức thực tế về quyền của trẻ em đối với SKSS, các kỹ năng chăm sóc SKSS sẽ giúp các em biết lên tiếng, bảo vệ bản thân trước những nguy cơ về bạo hành, ngược đãi và hạn chế được rủi ro.

Thảo Vy