Đồng nghiệp làm báo tại thành phố Huế đọc Báo Huế ngày nay 

Lần giở lại ký ức của 35 năm về trước, thời điểm năm 1989, khi Bộ Chính trị, Quốc hội ban hành Quyết định, Nghị quyết phân lại địa giới Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa chia sẻ: Ở những số đầu tiên của Báo "Huế ngày nay" những ngày đầu, sau đó đổi tên thành Báo Thừa Thiên Huế, ông đã tham gia nhiều bài viết đánh giá, phân tích về những khát vọng đưa Thừa Thiên Huế trở thành một đô thị phát triển từ những bản sắc riêng có.

Qua chừng đó thời gian, khi hay tin Báo Thừa Thiên Huế đổi tên thành Báo “Huế ngày nay” khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố Huế trực thuộc Trung ương, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa thể hiện sự tin tưởng về một chặng đường phát triển mới, sự chuyển mình, khởi đầu một vận hội mới của thành phố Huế nói chung và Báo “Huế ngày nay” nói riêng.

“Theo tôi, tên gọi “Huế ngày nay” truyền tải khát vọng của sự vươn lên. Khi nói đến “Huế ngày nay” là bất cứ ngày nào cũng là ngày nay, tức là được mở rộng từ không gian cho đến thời gian. Đó là sự kết nối từ quá khứ đến hiện tại và mở ra tương lai phát triển mới ở phía trước. Sẽ có một “Kinh đô xưa - vận hội mới”, với những điều tốt đẹp nhất hứa hẹn chào đón phía trước khi Huế chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng với đó, khi đặt trong bối cảnh chung giữa 3 địa phương có mối kết nghĩa thâm tình lâu nay là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Huế, thì 3 cơ quan báo chí của Đảng bộ 3 địa phương, gồm: “Hà Nội mới”, “Sài Gòn Giải phóng” và “Huế ngày nay”, cả 3 đều mang những sắc thái riêng trong từng tên gọi”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa đánh giá.

Những ngày này, mỗi lần có dịp chuyện trò với các đồng nghiệp làm báo, việc Báo Thừa Thiên Huế đổi tên thành “Huế ngày nay” được bàn luận nhiều hơn cả. Ai cũng kỳ vọng “Huế ngày nay” sẽ tiếp tục khẳng định được vai trò của một cơ quan, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Các viên chức đọc Báo Thừa Thiên Huế trước ngày đổi tên sang thành Báo Huế ngày nay 

Theo nhà báo Bùi Ngọc Long, Báo Thanh niên thường trú tại thành phố Huế, ở góc độ báo chí, măng sét Báo “Huế ngày nay” là rất phù hợp, mang tính báo chí cao, thể hiện được tính liền mạch, chiều dài phát triển. “Huế ngày nay” có tính đại chúng cao và khả năng tiếp cận được nhiều đối tượng bạn đọc nhất có thể.

Với nhiều bạn đọc của Báo Thừa Thiên Huế suốt bao năm qua, khi nhận được thông tin báo đổi tên cũng có những cảm xúc khác biệt. Nhiều người chờ đợi sự thay đổi của tờ báo về hình thức và nội dung; cách thức trình bày và hình thức truyền tải thông tin đến bạn đọc.

Anh Nguyễn Ngọc An, giám đốc một công ty du lịch trên địa bàn, một bạn đọc trung thành của Báo Thừa Thiên Huế mong muốn, khi báo đổi tên thành “Huế ngày nay”, báo nên có những chuyên mục mới, như “Góc học sinh – sinh viên”, vì số lượng học sinh và sinh viên ở Huế rất lớn. Đây là đối tượng bạn đọc mà báo có thể hướng đến phục vụ nhiều hơn. Hay như mở chuyên mục “Ống kính du lịch”, nhằm truyền tải tất cả các nội dung liên quan đến du lịch, về sản phẩm, tour tuyến; ngay cả những hình ảnh chưa đẹp, làm ảnh hưởng đến du lịch cũng có thể thông tin để kịp thời điều chỉnh các hình ảnh chưa đẹp đó.

Một bước đường mới đối với Báo “Huế ngày này” đã chính thức được mở ra. Có thể thấy, những kỳ vọng của bạn đọc đối với “Huế ngày nay” là không nhỏ. Những cơ hội mới và cũng thách thức mới cho những người làm báo của “Huế ngày nay”; đặc biệt là trong giai đoạn vươn mình của đất nước, đồng điệu với thành phố Huế trở thành trực thuộc Trung ương. Nhiệm vụ của những người làm báo ở một thành phố trực thuộc Trung ương như “Huế ngày nay” sẽ khác, phải nỗ lực, thay đổi, chuyển mình cùng với đất nước, hòa trong dòng chảy của báo chí hiện đại.

UVTV Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Huế Hoàng Khánh Hùng nhấn mạnh, từ năm 2025 trở đi là giai đoạn phát triển mới của thành phố Huế. Đi cùng với đó thì Báo “Huế ngày nay” cũng phải thể hiện được một “Huế ngày nay” thật sự, tức là từ nội dung, hình thức của báo cần tiếp tục được cải tiến, đổi mới, nâng tầm; áp dụng chuyển đổi số trên nền tảng công nghệ để có thể bắt nhịp với vai trò của cơ quan báo chí trong tình hình mới, trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Công tác báo chí, tuyên truyền phải được nâng tầm, làm tốt hơn nữa để xứng đáng với tâm thế mới, mô hình phát triển mới, gắn với thành phố trực thuộc Trung ương.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG