Học sinh lớp 12 chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 từ sớm

Giảm áp lực

Kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu và yêu cầu cần đạt trong chương trình GDPT; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở GDPT, giáo dục thường xuyên và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Kỳ thi cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực của học sinh để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Bên cạnh việc kế thừa nội dung của các quy chế đã được triển khai thực hiện thuận lợi, ổn định các năm qua, nhất là năm 2023 và 2024, Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có những điểm mới đáng lưu ý. Theo đó, kỳ thi được tổ chức thành 3 buổi thi, gồm: 1 buổi thi môn ngữ văn, 1 buổi thi môn toán và 1 buổi tổ chức bài thi tự chọn. Các thí sinh dự thi sẽ được sắp xếp theo tổ hợp bài thi tự chọn để tối ưu phòng thi, điểm thi. Như vậy, so với những năm trước, kỳ thi giảm 1 buổi thi và 2 môn thi.

Điểm mới quan trọng nữa là sử dụng kết hợp điểm đánh giá quá trình (học bạ) và kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp theo tỷ lệ 50-50. Điểm trung bình học bạ các năm được tính theo trọng số. Việc tăng tỷ lệ sử dụng điểm học bạ từ 30% lên 50% so với năm trước để đánh giá sát hơn về năng lực người học theo Chương trình GDPT 2018. Bên cạnh đó, điểm học bạ các năm lớp 10, lớp 11 cũng được sử dụng (với trọng số nhỏ hơn của lớp 12) thay vì chỉ của lớp 12 như trước đây. Thay đổi này có tác dụng thúc đẩy việc dạy và học ngay từ khi học sinh bước vào bậc học THPT, tránh học lệch môn.

Chứng chỉ ngoại ngữ vẫn được tiếp tục sử dụng để miễn thi trong xét công nhận tốt nghiệp nhưng không được quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp như trước đây. Công thức tính điểm xét tốt nghiệp không có điểm ngoại ngữ trong trường hợp này. Cách thức này tiếp tục khuyến khích việc học ngoại ngữ nhưng hướng tới công bằng hơn trong xét đỗ tốt nghiệp.

Đánh giá năng lực người học

Hầu hết các giáo viên đều nhận định, những điểm mới của Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ giảm nhiều áp lực cho học sinh. Ông Nguyễn Đình Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Thừa Lưu cho hay, giảm môn thi, buổi thi sẽ giảm chi phí tốn kém cho học sinh và gia đình. Đặc biệt, việc sử dụng điểm học bạ 50% vừa giảm áp lực vừa tạo thuận lợi trong quá trình học tập, đánh giá được năng lực toàn diện của học sinh. Tuy nhiên, học sinh cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn môn thi vì môn thi ít thì số tổ hợp chọn vào các trường đại học sẽ có phần hạn chế.

 Việc vận dụng kiến thức vào thực tiễn được các trường chú trọng

Theo cô giáo Lâm Thị Quỳnh Tiên, giáo viên Trường THPT Vinh Lộc, từ năm 2025, Kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức thi theo Chương trình GDPT 2018 với điểm khác biệt là thiên về đánh giá năng lực người học thay vì đánh giá kiến thức và kỹ năng như những kỳ thi trước. Trong đó, đề thi tốt nghiệp không chỉ kiểm tra kiến thức mà tập trung hướng đến nhiều hơn vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Đề thi bao gồm nhiều câu hỏi xây dựng từ các tình huống thực tế trong đời sống, khoa học, xã hội, giúp thí sinh thấy rõ mối liên hệ giữa kiến thức học được và thế giới xung quanh.

Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT, các trường tiếp tục thực hiện các bước chuẩn bị cho kỳ thi đổi mới. Năm nay, Trường THPT Thừa Lưu có 472 học sinh tham gia dự thi. Nhà trường bước đầu tổ chức quán triệt quy chế cho học sinh qua các buổi sinh hoạt lớp và các trang mạng nội bộ của trường. Ông Nguyễn Đình Tuấn thông tin, công tác dạy học và ôn tập kiến thức được nhà trường triển khai nghiêm túc. Trong đó, công tác bồi dưỡng tăng cường kiến thức cho lớp 12 được nhà trường triển khai từ đầu năm học với 2 môn bắt buộc toán, văn và các môn tự chọn (mỗi môn 2 tiết/tuần) theo tinh thần tự nguyện của học sinh và phụ huynh.

Theo nhận định của ông Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài, số môn thi giảm và học sinh chủ động được chọn môn thi phù hợp với năng lực phần nào giảm áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên thực hiện quy chế thi tốt nghiệp áp dụng cho Chương trình GDPT 2018 nên học sinh sẽ gặp khó khăn về kinh nghiệm làm bài thi. Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, đề kiểm tra định kỳ thường xuyên chú trọng phát triển năng lực của người học với nhiều dạng thức trong câu hỏi cũng là vấn đề mới trong kỳ thi năm tới.

“Trước đây, ngoài môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm với 4 lựa chọn. Bây giờ, hình thức trả lời của đề thi có 3 dạng thức: trắc nghiệm lựa chọn, đúng - sai và trả lời ngắn. Lần đầu tiên thi theo chương trình mới, các em chưa có kinh nghiệm làm bài nên cũng sẽ khó khăn. Nếu học sinh không có năng lực thật sự sẽ khó đạt điểm cao”, ông Minh nói.

Chuẩn bị sớm cho kỳ thi, ngay từ đầu năm học, Trường THPT Phú Bài đã tổ chức cho học sinh đăng ký các môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp trên cơ sở năng lực của các em, định hướng thêm của nhà trường và gia đình. Nhà trường cũng tổ chức hội nghị cha mẹ học sinh để thống nhất phương án tổ chức ôn tập. Trường cũng tổ chức ôn tập các môn thi bắt buộc và tự chọn từ học kỳ 1 để các em có đủ kiến thức, năng lực chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp 2025.

MINH HIỀN