Cán bộ Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế tiến hành số hóa tư liệu Hán – Nôm tại đình làng Hà Lạc, xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền)

Thông tin này được lãnh đạo Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế cho biết, tại Hội nghị tổng kết Kế hoạch sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tư liệu Hán - Nôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020-2024, diễn ra chiều 30/12 tại TP. Huế.

Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, cùng đại diện lãnh đạo các sở ngành, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và đại diện các làng xã, họ tộc trên địa bàn tỉnh.

Theo lãnh đạo Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2020-2024, đơn vị này đã thực hiện khảo sát, số hóa được 130.845 trang, tương ứng 2.866 đầu tư liệu. Nâng tổng số trang tư liệu Hán - Nôm thực hiện số hóa từ năm 2009 đến nay là hơn 452.108 trang tương ứng với 5.971 đầu tư liệu. Công tác số hóa này được thực hiện ở 222 làng, 1.058 họ tộc và 22 phủ đệ, 4 tư gia. Hầu hết tư liệu được số hóa đều là văn bản gốc và đa dạng với nhiều chất liệu, loại hình tài liệu khác nhau với nội dung phong phú, có giá trị ở nhiều lĩnh vực như: văn bản học, lịch sử - văn hóa, phong tục, tập quán…

Cùng với việc số hóa tư liệu Hán – Nôm, nhiều năm qua Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế còn tổ chức tập huấn phương pháp bảo quản, tu bổ, phục chế tài liệu... cho hàng trăm học viên là chủ sở hữu đến từ các huyện, thị xã và TP. Huế.

Để phát huy nguồn tư liệu quý này, đơn vị còn tổ chức xử lý, biên mục tài liệu quản lý trên phần mềm, tổ chức hoạt động trưng bày, triển lãm sau khi phục chế… Song song với đó đã chọn tài liệu có giá trị, biên dịch và xuất bản các ấn phẩm. Có thể kể đến các ấn phẩm như: “Bằng cấp quan chức triều Nguyễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế”, “Văn thư - Đơn từ Hán Nôm các làng tại tỉnh Thừa Thiên Huế”, “Hương ước các làng tại tỉnh Thừa Thiên Huế”…

 Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tư liệu Hán - Nôm

Bà Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế cho biết, bên cạnh thuận lợi, việc số hóa tư liệu Hán – Nôm trên địa bàn tỉnh trong 5 năm qua cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Trong đó có thể kể đến việc tài liệu Hán – Nôm như sắc, chế, chiếu, dụ, gia phả, các loại văn bản hành chính… lưu giữ tại các dòng họ, tư gia, phủ đệ bị xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn trong việc xác định những thông tin cơ bản về tài liệu, nhiều tài liệu hư hỏng nặng không thể phục hồi.

Theo bà Oanh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chủ sở hữu thiếu phương pháp bảo quản. “Một số chủ sở hữu lo ngại sợ mất mát và chưa hiểu được tầm quan trọng của công tác bảo quản, lưu giữ tài liệu. Một số tài liệu hư hỏng, xuống cấp một phần, khi phát hiện cũng phải mất nhiều thời gian để đưa ra các quy trình xử lý kỹ thuật tối ưu trước khi thực hiện công tác số hóa, dẫn đến nhiều bất cập và khó khăn trong công tác này”, bà Oanh nói.

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh và Sở Văn hóa và Thể thao cũng đã tặng bằng khen, giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tư liệu Hán - Nôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020-2024.

NHẬT MINH