Xét nghiệm máu có thể xác định bệnh Alzheimer ở người lớn tuổi với độ chính xác khoảng 90%. Ảnh minh họa: iStock |
Các liệu pháp điều trị ung thư mới
Tiến sĩ Elizabeth Loder, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Tạp chí Y khoa Anh (BMJ) cho biết trong năm nay, “các liệu pháp điều trị ung thư mới” dành được rất nhiều sự quan tâm, chẳng hạn như thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch (ICIs) và các liệu pháp điều trị ung thư được cá nhân hóa hơn.
Được biết, Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS) trong năm nay đã triển khai thử nghiệm vaccine ung thư sử dụng công nghệ mRNA và được điều chỉnh theo các đột biến ung thư của từng cá nhân.
Buồng trứng nhân tạo
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, 13,4% phụ nữ trong độ tuổi từ 15-49 bị suy giảm khả năng sinh sản do nhiều nguyên nhân, từ các tình trạng như hội chứng buồng trứng đa nang và lạc nội mạc tử cung đến tác động của một số loại thuốc.
Trong nhiều năm, các nhà khoa học đã tìm cách giải quyết vấn đề này thông qua việc phát triển buồng trứng nhân tạo, nhưng công trình này đã bị cản trở do hiểu biết hạn chế về những gì cần thiết để nang trứng trưởng thành và sản xuất trứng.
Đầu năm nay, các nhà khoa học từ Đại học Michigan đã tạo ra “bản đồ tế bào” đầu tiên về quá trình hình thành trứng của con người bằng công nghệ lập bản đồ tế bào và di truyền hiện đại.
Xét nghiệm máu để phát hiện bệnh Alzheimer
Các nhà khoa học ở Thụy Điển đã phát triển một loại xét nghiệm máu có thể xác định bệnh Alzheimer ở người lớn tuổi với độ chính xác khoảng 90%. Hiện nay, để chẩn đoán chính xác căn bệnh này đòi hỏi phải có mẫu dịch não tủy hoặc hình ảnh não bằng chụp PET.
Do đó, xét nghiệm mới (PrecivityAD2) có thể giúp mở rộng khả năng tiếp cận việc xét nghiệm và đẩy nhanh quá trình chẩn đoán – từ đó cho phép bệnh nhân bắt đầu điều trị sớm hơn.
Song song đó, các phương pháp điều trị mới cho một số bệnh nhân Alzheimer cũng đã được chấp thuận trong năm nay. Ví dụ như thuốc Lecanemab đã các cơ quan quản lý châu Âu đã bật đèn xanh nhằm làm chậm quá trình suy giảm nhận thức liên quan đến bệnh Alzheimer.
Thuốc tiêm 2 lần/năm ngăn ngừa HIV
Một nghiên cứu mới được công bố trong năm nay cho biết một loại thuốc tiêm kháng virus 2 liều/năm có hiệu quả hơn uống thuốc viên hàng ngày trong việc ngăn ngừa virus HIV
Trong một thử nghiệm ngẫu nhiên hồi tháng 7/2024, nghiên cứu cho thấy không có phụ nữ nào được tiêm thuốc Lenacapavir 2 lần/năm bị nhiễm HIV. Sau đó, kết quả được công bố vào tháng 11 cũng chi ra mũi tiêm này có hiệu quả 96% trong việc ngăn ngừa nhiễm HIV ở nam giới.
(Lược dịch từ Forbes & Webmd)