Hướng dẫn du khách tìm kiếm các thông tin về du lịch Huế |
Tăng thêm trải nghiệm
Trên nền tảng ứng dụng Hộ chiếu du lịch Huế - Hue City Passport được ra mắt cuối năm ngoái, năm 2024 ngành du lịch đã bổ sung một số điểm du lịch mới, trong đó có lăng Dục Đức và lăng Đồng Khánh; đồng thời, triển khai quảng bá rộng rãi đến người dùng, đặc biệt là du khách. Ông Võ Hoàng Liên Minh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch cho biết, đây là một ứng dụng mang lại nhiều tiện ích cho du khách, giúp họ tìm kiếm các di tích, thắng cảnh, trải nghiệm ẩm thực, tìm hiểu lối sống của người Huế, nghề truyền thống của địa phương một cách dễ dàng. “Ứng dụng có bản đồ định vị GPS, được thiết kế giao diện đẹp mắt, tính tương tác cao với người dùng, giúp tăng trải nghiệm du lịch của du khách khi đến Huế”, ông Minh chia sẻ.
Mới đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng vừa triển khai thử nghiệm mạng lưới các trạm tương tác thông minh - TapQuest ứng dụng công nghệ, để tăng trải nghiệm cho du khách khi đến tham quan các di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế. Theo đại diện Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, trạm tương tác thông minh là những bảng vật lý được gắn chip kết nối không dây tầm ngắn (NFC) mà khách du lịch có thể “chạm” điện thoại vào để kết nối được câu chuyện văn hóa lịch sử của mỗi địa điểm, với nhiều hình thức thể hiện phong phú, bao gồm hình ảnh, video, mô hình 3D, văn bản và hướng dẫn viên sử dụng trí thông minh nhân tạo. Ở mạng lưới này, mỗi trạm tương tác thông minh được ví như một “hướng dẫn viên số” có thể cung cấp nhiều tiện ích tại các khu du lịch, di tích, văn hóa Huế - một trong những kết quả của việc đưa công nghệ vào chuyển đổi số du lịch.
Du lịch thông minh đang trở thành xu hướng. Theo các chuyên gia du lịch, sự tác động của cuộc cách mạng 4.0 đã kéo theo sự phát triển của xu hướng du lịch thông minh. Nhìn rộng ra các địa phương trong cả nước, rất nhiều tỉnh, thành đã tích cực phát triển các tiện ích của du lịch thông minh, ứng dụng chuyển đổi số vào du lịch. Đơn cử như tại Thủ đô Hà Nội, nhiều đơn vị như: Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia... đã tổ chức nhiều triển lãm trực tuyến, bán vé tham quan điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách. Tại Quảng Ngãi, một số điểm còn ứng dụng thuyết minh tự động, du khách chỉ cần quét mã QR sẽ được nghe giới thiệu kỹ về điểm đến. Ngoài ra, nhiều địa phương khác như: Đà Nẵng, Ninh Bình, Quảng Ninh... cũng đẩy mạnh sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ 360 độ thực tế ảo (VR 360) để tạo thêm nhiều trải nghiệm cho du khách và được du khách đánh giá tích cực.
Tại Huế, vài năm trở lại đây, ngành du lịch, các đơn vị, doanh nghiệp đang tích cực ứng dụng công nghệ, để tạo ra các sản phẩm mới, đa dạng, giúp nâng cao trải nghiệm của du khách. Theo lãnh đạo Sở Du lịch, ngoài những tiện ích kể trên, ngành du lịch cũng đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu ngành du lịch - dịch vụ, cập nhật các cơ sở lưu trú, lữ hành, khu điểm du lịch, dịch vụ… Cơ sở dữ liệu này không chỉ phục vụ công tác quản lý mà dữ liệu còn được chia sẻ, phục vụ nhu cầu tìm kiếm thông tin của du khách. Ngành du lịch Huế cũng xây dựng bản đồ du lịch số, tiến hành số hóa 3D ẩm thực để khách đến Huế có thể dễ dàng trải nghiệm, tìm kiếm thông tin về điểm đến, dịch vụ lưu trú, ẩm thực…
Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh |
Sở dĩ du lịch thông minh dần trở thành xu hướng, bởi việc ứng dụng công nghệ không chỉ phục vụ công tác quản lý về du lịch mà quan trọng hơn là mang đến cho du khách những tiện lợi, từ việc tìm thông tin, lên ý tưởng tới việc đặt, giao dịch và thanh toán điện tử, góp phần đa dạng hơn các loại hình, sản phẩm, dịch vụ du lịch. Từ việc ứng dụng công nghệ, hoạt động quảng bá du lịch và kết nối cũng như tương tác của cơ quan quản lý - du khách - doanh nghiệp đạt hiệu quả cao hơn.
Trên thực tế, một số giải pháp, tiện ích, ứng dụng gắn với du lịch thời gian qua mới chỉ là bước đầu. Để xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái du lịch thông minh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, từ đó tạo bước đột phá cho du lịch phát triển, vẫn còn cần giải quyết nhiều vấn đề.
Phát triển du lịch thông minh theo hướng bền vững không chỉ cần ngành du lịch tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phát triển du lịch thông minh mà còn cần quan tâm nguồn lực, đầu tư hạ tầng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực có trình độ công nghệ; nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về du lịch thông minh và xu hướng phát triển của loại hình du lịch này. Đồng thời, cần tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu số theo hướng có thể cập nhật thông tin theo thời gian thực; xây dựng và triển khai hiệu quả cơ chế phối hợp, liên kết trên nền tảng số giữa các bên liên quan trong ngành du lịch trên cơ sở phát triển mạnh các ứng dụng phần mềm kết nối liên thông, trao đổi thông tin, cập nhật dữ liệu…