Các bác sĩ thăm khám cho cháu T.P.L.Đ trong quá trình điều trị |
Khó khai thác triệu chứng, bệnh diễn tiến phức tạp
Trước đó, bệnh nhi T.P.L.Đ. (6 tháng tuổi ở Phong An, Phong Điền) nhập viện BVTW Huế cơ sở 2 trong tình trạng nôn, tiêu chảy, sốt cao liên tục. Bé được chẩn đoán bị sốt xuất huyết (SXH) Dengue nặng. Các bác sĩ đã điều trị tích cực bằng truyền dịch chống sốc, ổn định huyết động kịp thời.
Tiên lượng ca bệnh sẽ diễn biến phức tạp, bệnh nhi được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu Nhi, Trung tâm Nhi, BVTW Huế. Xét nghiệm cho thấy có tình trạng cô đặc máu, tiểu cầu giảm, rối loạn đông máu nặng. Trẻ được tiếp tục điều trị tích cực bằng truyền dịch, hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục, truyền máu, tiêm vitamin K1.
Với nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ, sau hơn 1 tuần điều trị, sức khỏe trẻ cải thiện dần và được xuất viện.
Theo thống kê, BVTW Huế tiếp nhận khoảng 500 trẻ SXH nhập viện mỗi năm, trong đó chỉ có 2-3 trẻ nhũ nhi dưới 1 tuổi.
SXH ở trẻ nhũ nhi khó xác định ngay từ đầu và diễn tiến rất nhanh. Trẻ thường có biểu hiện ban đầu không điển hình như sốt nhẹ vừa, không liên tục, kèm ho, sổ mũi, hắt hơi, hay tiêu chảy, nôn ói…, dễ nhầm tưởng với các bệnh lý hô hấp, tiêu hóa hay nhiễm trùng, tay chân miệng… Do trẻ còn quá nhỏ chưa nói chuyện thành thạo nên rất khó khai thác các triệu chứng đau đầu, khó chịu, đau bụng… Đến khi trẻ xuất hiện các nốt SXH nặng dưới da hoặc nôn, tiểu ra máu, gia đình mới đưa trẻ đến bệnh viện.
Ra quân vệ sinh, thau vét bọ gậy tại TP. Huế |
Theo dõi kỹ
Các bác sĩ khuyên nếu trẻ sốt cao trên 2 ngày không thuyên giảm kèm biếng ăn, quấy khóc, khó chịu, li bì, đau bụng, chảy máu cam, ói ra máu, phân có màu đen, tay chân lạnh… lập tức đưa trẻ đến các cơ sở y tế. Bởi nếu không điều trị kịp thời, SXH Dengue có thể gây biến chứng dẫn đến suy đa tạng như gan, cơ tim, hệ thần kinh… thậm chí tử vong.
SXH thường gặp ở trẻ em, phổ biến ở nhóm 4 - 9 tuổi. SXH ở trẻ dưới 1 tuổi chiếm khoảng 5%, tuy nhiên, tỷ lệ tử vong cao gấp 4 lần nhóm tuổi ngoài nhũ nhi. Khi mắc SXH, cần theo dõi kỹ người bệnh trong ngày thứ 3-7. Giai đoạn này, người bệnh tuy giảm sốt nhưng rất dễ rơi vào tình trạng sốc, dẫn đến biến chứng nếu không được điều trị kịp thời. Các chuyên gia khuyến cáo nên cho trẻ tiêm vắc xin phòng SXH (cho trẻ từ 4 tuổi trở lên); tổ chức vệ sinh môi trường kèm thau vét bọ gậy thường xuyên, nhất là thời điểm mưa nắng giao thoa.
Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có gần 1.900 ca mắc SXH, tăng khoảng 1.300 ca so với năm 2024. Sự thay đổi của khí hậu và thời tiết, tình hình dịch bệnh này diễn biến phức tạp khiến công tác phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đề nghị lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, phát quang bụi rậm, thu gom rác thải môi trường xung quanh, tránh tâm lý chủ quan trong một bộ phận người dân.