Tuyết bao phủ tại đảo Lofoten, Bắc Cực. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Ngoài Nga và Mỹ, hiện nay Trung Quốc và Ấn Độ cũng ngày càng thể hiện vai trò lớn hơn trong khu vực này.

Bắc Cực: Vùng đất của cơ hội và xung đột

Bắc Cực, vùng đất chưa được khai thác nhiều, nổi tiếng với trữ lượng tài nguyên thiên nhiên khổng lồ, đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt và nguồn lợi thủy sản. Ngoài ra, khu vực này còn được coi là điểm nóng tiềm năng của các xung đột giữa các cường quốc lớn.

Nga từ lâu đã chiếm ưu thế ở Bắc Cực với sự hiện diện quân sự mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về phía Bắc buộc Moskva phải gia tăng đáng kể năng lực quân sự tại đây. Trong khi đó, Trung Quốc ngày càng quan tâm đến các vấn đề Bắc Cực, còn Ấn Độ, dù cách xa địa lý, cũng không đứng ngoài cuộc.

Với việc Mỹ đối đầu ngày càng gay gắt với cả Nga và Trung Quốc, hai quốc gia này đã đẩy mạnh hợp tác tại Bắc Cực để đối trọng với Washington.

Tài nguyên và biến đổi khí hậu

Bắc Cực chiếm hơn 1/6 diện tích bề mặt đất liền của Trái Đất, bao gồm vùng Bắc Cực và các dải băng dày đến 20 m. Theo ước tính, khu vực này chứa khoảng 22% trữ lượng dầu mỏ và khí đốt chưa được khám phá trên toàn cầu, trong đó Nga sở hữu 52% và Na Uy nắm giữ 12%.

Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa toàn cầu và khí thải nhà kính đã khiến nhiệt độ tăng lên, dẫn đến băng tan nhanh chóng. Năm 2024, diện tích băng biển Bắc Cực chỉ còn 4,28 triệu km², thấp hơn 1,8 triệu km² so với mức trung bình dài hạn. Nếu xu hướng này tiếp tục, Bắc Cực có thể hoàn toàn không có băng vào mùa hè năm 2040.

Băng tan không chỉ gây ra hiện tượng nước biển dâng, đe dọa các thành phố ven biển và các quốc đảo, mà còn mở ra cơ hội khai thác tài nguyên và phát triển các tuyến hàng hải chiến lược.

Thiếu vắng hiệp ước toàn cầu

Không giống như Nam Cực được quản lý bởi Hiệp ước Nam Cực năm 1959, Bắc Cực không có hiệp ước tương tự để đảm bảo các hoạt động hòa bình. Hội đồng Bắc Cực, thành lập năm 1996, gồm 8 quốc gia thành viên (Mỹ, Canada, Đan Mạch, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Nga) cùng với các quan sát viên, trong đó có Ấn Độ.

Nga và Mỹ từ lâu đã duy trì các căn cứ quân sự và hệ thống giám sát tại Bắc Cực, bao gồm cả năng lực răn đe hạt nhân. Trong khi Nga sử dụng tàu phá băng hạt nhân, Mỹ và Trung Quốc chỉ mới có hai tàu phá băng diesel.

Tuyến đường biển và tiềm năng kinh tế

Băng tan tại Bắc Cực mở ra ba tuyến đường biển quan trọng gồm:

Tuyến Đường biển Phía Bắc (NSR): Chạy dọc bờ biển Nga, giúp giảm khoảng cách từ Đông Á đến châu Âu từ 2000 km qua kênh đào Suez xuống còn 12.800 km, tiết kiệm 10-15 ngày vận chuyển.

Hành lang Tây Bắc (NWP): Kết nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương qua quần đảo Bắc Cực của Canada, tiềm năng rút ngắn quãng đường từ Trung Đông đến Tây Âu còn 13.600 km so với 24.000 km qua kênh đào Panama.

Tuyến đường biển xuyên Bắc Cực (TSR): Tuyến đường trung tâm Bắc Cực, nối eo biển Bering (là eo biển phân cách châu Á và Bắc Mỹ, nằm giữa mũi Dezhnev, điểm cực đông của châu Á và mũi Prince of Wales, điểm cực tây của châu Mỹ) với cảng Murmansk (Nga). Tuy nhiên, tuyến này còn phụ thuộc vào sự biến đổi khí hậu trong tương lai.

Chiến lược của Nga

Nga xem Bắc Cực là khu vực chiến lược, đóng góp khoảng 10% GDP và 20% kim ngạch xuất khẩu. Chính sách Bắc Cực 2035 của Nga nhấn mạnh quyền chủ quyền đối với NSR, trong khi Mỹ kêu gọi NSR trở thành tuyến đường quốc tế.

Nga đã tái kích hoạt các căn cứ quân sự thời Liên Xô và tăng cường đội tàu phá băng hạt nhân. Các nỗ lực này nhằm củng cố vị thế của Moskva trước sự cạnh tranh từ Mỹ và NATO.

Sự tham gia của Trung Quốc và Ấn Độ

Trung Quốc, tự coi mình là "quốc gia cận Bắc Cực", đã đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển cơ sở hạ tầng tại đây. 

Vào tháng 1/2018, Trung Quốc đã công bố báo cáo Chính sách Bắc Cực, nêu bật mối quan tâm của mình đối với các nguồn tài nguyên ở Bắc Cực và nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng cho mục đích nghiên cứu, quân sự và các mục đích khác.

Trung Quốc đầu tư nhiều hơn Mỹ vào nghiên cứu Bắc Cực và điều hành một Viện nghiên cứu Bắc Cực tại Thượng Hải. Trung Quốc sở hữu một đội tàu nghiên cứu và hai tàu phá băng MV Xue Long. Ngoài ra, Trung Quốc đã thành lập Trạm Bắc Cực Hoàng Hà vào năm 2004. Năm 2018, công ty COSCO Shipping Corporation Limited, có trụ sở tại Thượng Hải, đã thực hiện tám chuyến đi qua Bắc Cực giữa châu Âu và Trung Quốc.

“Con đường tơ lụa Bắc Cực” của Trung Quốc , được khởi động vào năm 2018 như một sáng kiến chung với Nga, nhằm mục đích tăng cường kết nối trong khu vực. Giống như Nga, Trung Quốc cũng mong muốn triển khai tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân ở Bắc Cực, trở thành quốc gia thứ hai làm như vậy. Tuy nhiên, Đan Mạch, được Mỹ khuyến khích, đã từ chối lời đề nghị của Trung Quốc về việc mua một căn cứ quân sự cũ ở Greenland và xây dựng một sân bay quốc tế tại đó.

Trong khi đó, Ấn Độ có trạm nghiên cứu "Himadri" tại Svalbard (Na Uy) từ năm 2008, đồng thời tham gia các dự án khí hóa lỏng ở Nga.

Chính sách Bắc Cực của Ấn Độ năm 2022 nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển bền vững và hợp tác quốc tế. New Delhi cũng đang đàm phán với Nga để xây dựng tàu phá băng tại Ấn Độ, nhằm tăng cường sự hiện diện ở khu vực này. Bắc Cực ngày càng trở nên quan trọng đối với New Delhi khi nước này tìm cách mở rộng các tuyến đường thương mại trên biển để tiếp cận nhiều thị trường hơn cho lượng hàng xuất khẩu ngày càng tăng của mình và đảm bảo tuyến đường vận chuyển dầu và các mặt hàng thiết yếu khác.

Cả Ấn Độ và Nga đều đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc thúc đẩy Hành lang vận tải quốc tế Bắc Nam (INSTC) dài 7.200 km có thể vận chuyển hàng hóa giữa Ấn Độ, Iran, Azerbaijan, Nga, Trung Á và châu Âu, giúp giảm đáng kể chi phí và thời gian, cũng như hành lang Chennai-Vladivostok, có thể trở thành một phần của NSR.

Những diễn biến gần đây cho thấy New Delhi đang thảo luận với Moskva về việc đóng tàu phá băng tại các xưởng đóng tàu của Ấn Độ, nhấn mạnh cam kết của Ấn Độ đối với hoạt động ở Bắc Cực và tiềm năng mở rộng hợp tác.

Ấn Độ cũng có thể khám phá các cơ hội khai thác ở khu vực Bắc Cực. Bất chấp những lời kêu gọi quốc tế rộng rãi về lệnh tạm dừng khai thác biển sâu.

Trò chơi lớn tại Bắc Cực

Cuộc đua tại Bắc Cực không chỉ dừng lại ở tài nguyên mà còn mở rộng sang các vấn đề chiến lược và địa chính trị. Khi Nga, Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh gay gắt, Ấn Độ với cách tiếp cận hợp tác có thể đóng vai trò cân bằng.

Với nguồn tài nguyên phong phú và tuyến đường chiến lược, Bắc Cực đang trở thành sân khấu cho cuộc chơi lớn của thế kỷ 21. Các quốc gia cần phối hợp để đảm bảo rằng khu vực này không biến thành điểm nóng xung đột, mà là nơi hợp tác quốc tế vì lợi ích chung.

Theo baotintuc.vn