Người khuyết tật được tạo việc làm để có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống |
Hồi phục thể chất
Từng có triệu chứng tai biến nhẹ và đã được phát hiện can thiệp kịp thời, nhưng cách đây khoảng 1 năm, ông Cao Tr., ở phường Đông Ba, TP. Huế tái phát bệnh nặng hơn. Được đưa đi cấp cứu bệnh viện kịp khung giờ "vàng" nên may mắn thoát chết, nhưng di chứng khiến ông Tr. bị liệt nửa người, mất trí nhớ tạm thời, méo miệng, không thể nói chuyện được. Từ một năm nay, nhờ kiên trì tập vật lý trị liệu, hiện giờ, thể trạng, tinh thần của ông Tr. đã được phục hồi đáng kể.
Tình trạng đột quỵ như ông Tr. là một trong những loại bệnh tật đang cần điều trị bằng phục hồi chức năng để giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Theo thống kê từ Bệnh viện Phục hồi chức năng, hàng ngày, bệnh viện tiếp nhận điều trị nội trú và ngoại trú từ 240 đến 280 bệnh nhân gồm người lớn và trẻ em. Các bệnh thường gặp, như: Liệt nửa người sau tai biến mạch máu não, di chứng liệt tứ chi sau tổn thương tủy sống, di chứng sau chấn thương sọ não; các bệnh về xương khớp, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm...; trẻ bại não, trẻ rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn phát triển thần kinh...
Theo báo cáo của Sở Y tế, trong tổng số hơn 20.400 người khuyết tật được quản lý trên phần mềm quản lý sức khỏe người khuyết tật toàn tỉnh, có 3.645 người (17,9%) có nhu cầu khám xác định khuyết tật ở tuyến trên; 9.142 người (44,8%) có nhu cầu can thiệp chăm sóc, phục hồi chức năng và 4.371 người (21,4%) cần dụng cụ phục hồi chức năng.
Giúp người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ phục hồi đa chức năng |
Thời gian qua, các đơn vị chức năng trên địa bàn đã triển khai các mô hình, như: Cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng đa chuyên ngành tại bệnh viện, tại cộng đồng. Bên cạnh các cơ sở y tế, hiện nay, có 22 cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn đang chăm sóc, nuôi dưỡng gần 1.000 người khuyết tật; trong đó, trẻ em khuyết tật gần 300 em và ngoài cộng đồng hơn 2.250 trẻ em khuyết tật. Các đơn vị bảo trợ xã hội đã phối hợp với các dự án, đơn vị chuyên môn để tăng cường các hoạt động như phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe, đời sống tinh thần cho trẻ em khuyết tật cũng như người khuyết tật nói chung.
Tuy nhiên, theo điều tra khảo sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), con số hàng trăm người được hỗ trợ thực hiện các mô hình phục hồi chức năng mỗi năm vẫn còn là "muối bỏ bể" so với hơn 30.000 người khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Theo ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, các cơ quan chức năng, địa phương cần nắm bắt mong muốn, khó khăn thực tế của người khuyết tật và có kế hoạch để tăng cường về mặt số lượng phục hồi chức năng cho người khuyết tật ở ngoài cộng đồng. Các đơn vị chuyên môn như Bệnh viện Phục hồi chức năng cần chuyển giao công nghệ, kỹ thuật phục hồi đa chức năng cho các địa phương, tuyến cơ sở để nâng cao chất lượng phục hồi chức năng, giúp nhiều khuyết tật được tiếp cận, tập luyện và hồi phục sức khỏe, tạo thuận lợi trong sinh hoạt, hòa nhập cộng đồng.
Cải thiện cuộc sống
Chị Đặng Như U. bị khuyết tật bẩm sinh. Sau khi lập gia đình, do điều kiện sức khỏe hạn chế, khó kiếm được việc làm, thu nhập ổn định nên gia đình chị suốt nhiều năm không thoát được hộ nghèo. May mắn năm 2023, được hỗ trợ kinh phí theo mô hình sinh kế cho hộ nghèo của phường Đông Ba, chị mua sắm máy xay nước mía giải khát, bán thêm vài món hàng tạp hóa nhỏ lẻ. Mới đây gặp lại, chị khoe gia đình đã thoát được hộ nghèo. Giờ chị U. tập trung lo cho 2 con ăn học, kiếm được việc làm ổn định là gia đình sẽ có "tương lai tươi sáng" hơn.
Ngoài hỗ trợ về vốn vay ưu đãi, kinh phí cải thiện sinh kế, thời gian qua, nhiều tổ chức, dự án do Sở LĐ-TB&XH làm đầu mối tiếp nhận cùng phối hợp với Hội Người khuyết tật, Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, Viện Nghiên cứu Phát triển cộng đồng (ACDC) và một số sở, ngành liên quan... tổ chức nhiều mô hình, hoạt động, sự kiện đồng hành cùng người khuyết tật, giúp họ tiếp cận các dịch vụ và tăng cơ hội sống độc lập.
Cùng với chính sách trợ giúp thường xuyên, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được thực hiện kịp thời hàng tháng cho hơn 30.000 người khuyết tật, các địa phương, đơn vị còn tăng cường kết nối, vận động các mạnh thường quân, tổ chức phi chính phủ để tăng cường các hoạt động phát triển sinh kế, dạy nghề, giải quyết việc làm cho người khuyết tật. Nhiều người khuyết tật đã tham gia vào lao động sản xuất, tạo ra của cải cho xã hội và thu nhập nuôi sống bản thân, gia đình. Nhà nước còn hỗ trợ người khuyết tật vay vốn từ nhiều nguồn để tạo điều kiện cho họ tự tạo việc làm, độc lập trong cuộc sống. Được cải thiện về mặt sức khỏe, tinh thần và vật chất vật chất đã giúp người khuyết tật tự tin, vượt khó vươn lên hòa nhập cộng đồng.