Sinh viên nha khoa tại một buổi thực hành

Xây dựng và phát triển hoàn thiện

PGS.TS.BS. Nguyễn Văn Minh, Trưởng Bộ môn Gây mê hồi sức và cấp cứu Trường đại học Y - Dược Huế, ĐHH, Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Gây mê hồi sức - Cấp cứu - Chống độc Bệnh viện Trường đại học Y - Dược Huế giải thích: Một tôn chỉ là phát triển mô hình “Trường - Viện” là một chỉnh thể thống nhất, hữu cơ và toàn diện, trong đó Trường đại học Y - Dược Huế, ĐHH đóng vai trò trung tâm và phát triển mạnh mẽ Bệnh viện Trường đại học Y - Dược Huế để hình thành Học viện Y - Dược Huế hoàn chỉnh ngang tầm khu vực Đông Nam Á vào năm 2030 và hướng đến tiêu chuẩn quốc tế vào năm 2045.

Hai mục đích, thứ nhất là phát triển Trường đại học Y - Dược Huế, ĐHH đạt tiêu chuẩn cấp quốc gia, có chất lượng giáo dục được kiểm định đạt chuẩn chất lượng khu vực AUN-QA vào năm 2030, hướng đến đạt kiểm định chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế WFME vào năm 2045. Thứ hai, phát triển Bệnh viện Trường đại học Y - Dược Huế đạt chất lượng bệnh viện cấp quốc gia, được kiểm định đạt tiêu chuẩn cấp khu vực ACHSI vào năm 2030, hướng đến và tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế JCI vào năm 2045.

 Các y, bác sĩ Bệnh viện Trường đại học Y - Dược Huế thực hiện chữa bệnh bằng ứng dụng kỹ thuật cao

Ba nhiệm vụ gồm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao; nghiên cứu khoa học và ứng dụng thành quả khoa học công nghệ trong đào tạo; khám, chữa bệnh, phục vụ cộng đồng, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Bốn trụ cột, đó là quản trị và tổ chức, nhân sự, tài chính và cơ sở hạ tầng.

Mô hình “Trường - Viện” đã từng hiện hữu qua các giai đoạn phát triển của Trường đại học Y - Dược Huế, nhưng hiện nay là giai đoạn xây dựng và phát triển hoàn thiện. Việc hoàn thiện mô hình "Trường - Viện" hiện nay chính là tiền đề xây dựng mô hình này xứng tầm khu vực Đông Nam Á. Là Bí thư Chi bộ Gây mê hồi sức, PGS.TS.BS. Minh luôn thông tin, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chủ trương, chương trình hành động của Đảng ủy trường, của tỉnh và Trung ương về quan điểm, các mục tiêu, chỉ tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển và thực hiện đến đảng viên, viên chức, người lao động.

PGS.TS.BS. Minh cùng với cấp ủy tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả tinh thần của Nghị quyết số 54-NQ/TW và Nghị quyết số 26/NQ-TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết 83/2020 của Chính phủ; Chương trình hành động 69, Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 09/8/2021 của Tỉnh ủy và Chương trình hành động số 3553/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Tùy theo mức độ tiếp cận các văn bản và chủ trương để nêu ý kiến đóng góp xây dựng, hoàn thiện mô hình. Bản thân PGS.TS.BS. Minh cũng được tiếp cận, ủng hộ, góp ý kiến xây dựng, nêu các giải pháp và triển khai mô hình.

Trường đại học Y - Dược Huế, ĐHH đang đầu tư xây dựng, nâng cao hiệu quả mô hình “Trường - Viện”, đi đúng hướng phát triển về giáo dục và đào tạo của khoa học sức khỏe tại các nước tiên tiến. Sự kết hợp “Trường - Viện” là mô hình đặc thù của giáo dục và đào tạo trong lĩnh vực khoa học sức khỏe. Sự kết hợp đó hiện thực hóa các nguyên lý cốt lõi trong đào tạo của ngành khoa học sức khỏe, đó là mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn, giữa lý thuyết với thực hành, giữa nghiên cứu khoa học với ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật, giữa đơn vị đào tạo với hệ thống y tế. “Đây là mối quan hệ hữu cơ, góp phần giúp nhà trường thực hiện sứ mạng “Đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao kỹ thuật và công nghệ, khám, chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân”, PGS.TS.BS. Minh nhấn mạnh.

Là một chỉnh thể thống nhất, hữu cơ, toàn diện, các hoạt động của bộ môn ở Trường đại học Y - Dược Huế, ĐHH thông suốt và liên tục đến hoạt động của khoa ở Bệnh viện Trường đại học Y - Dược Huế nên việc lãnh đạo hoạt động của chi bộ thống nhất, thông suốt, hiệu quả. Mô hình “Trường - Viện” của Trường đại học Y - Dược Huế, ĐHH được hình thành và không ngừng phát triển trên cơ sở chính trị - pháp lý vững chắc, với sự ủng hộ và quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, sự quan tâm và ủng hộ của Tỉnh ủy, UBND cùng các sở ban ngành của tỉnh và tạo điều kiện thuận lợi của ĐHH, Bệnh viện Trung ương Huế và hệ thống y tế các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Ứng dụng kỹ thuật cao

PGS.TS.BS. Lê Trọng Bỉnh, Giảng viên cao cấp Bộ môn Chẩn đoán hình ảnh Trường đại học Y - Dược Huế, ĐHH, Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Trường đại học Y - Dược Huế thông tin, Bệnh viện Trường đại học Y - Dược Huế được xây dựng và phát triển theo mô hình “Trường - Viện”, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Cùng với nhà trường, bệnh viện cũng là trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển kỹ thuật cao, chuyển giao kỹ thuật và hợp tác quốc tế. Bệnh viện đón tiếp rất nhiều đoàn chuyên gia quốc tế đến giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ. Ngày càng có nhiều đoàn sinh viên quốc tế chọn bệnh viện trường là nơi kiến tập, thực tập, nhiều cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện cũng được tạo điều kiện đi học tập nâng cao trình độ ở trong và nước ngoài.

Hiện nay, Trường đại học Y - Dược Huế, ĐHH và Bệnh viện Trường đại học Y - Dược Huế đã và đang đầu tư công nghệ hiện đại, ứng dụng kỹ thuật cao trong khám và điều trị bệnh. Để thực hiện được các kỹ thuật cao tại bệnh viện, trước hết trường có chủ trương thống nhất nhằm xây dựng đề án phát triển kỹ thuật cao từ ban giám hiệu nhà trường, ban giám đốc bệnh viện đến ban chủ nhiệm các khoa, phòng và toàn thể cán bộ, nhân viên. Đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi trường có sự đầu tư phát triển đồng bộ về nguồn nhân lực đa chuyên khoa, trang thiết bị, dụng cụ, vật tư, cơ sở hạ tầng, quy trình quản lý chất lượng. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo sự phát triển bền vững, cập nhật, theo đúng xu thế của y học hiện đại, các quy trình thực hiện được chuẩn hóa và phù hợp với điều kiện thực tế.

Cụ thể, về việc xây dựng nhân lực, nhà trường và bệnh viện luôn tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ được đi đào tạo về các lĩnh vực chuyên sâu ở trong và ngoài nước; kết hợp đầu tư mua sắm trang thiết bị mới, hiện đại, đảm bảo đầy đủ nguồn vật tư, dụng cụ có sẵn để triển khai kỹ thuật cao. Bản thân PGS.TS.BS. Bỉnh đã được học tập, nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu về chẩn đoán hình ảnh can thiệp trong thời gian dài (5 năm) tại Hàn Quốc. Bệnh viện cũng đã đưa vào hoạt động hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) thế hệ mới với đầy đủ các phần mềm hỗ trợ chuyên dụng và nhiều trang thiết bị, dụng cụ khác.

Từ công nghệ này, mới đây đơn vị đã can thiệp nội mạch cấp cứu thành công cho một bệnh nhân lớn tuổi, có nhiều bệnh lý kèm bị chảy máu tiêu hóa nặng do tổn thương dị dạng mạch máu ruột non, được chuyển đến Bệnh viện Trường đại học Y - Dược Huế. Bệnh nhân được xử trí nhanh chóng từ cấp cứu đa khoa, được điều trị nội khoa nâng đỡ và nội soi cấp cứu, sau đó được hội chẩn đa chuyên khoa và được chỉ định can thiệp nội mạch cầm máu. Với sự hỗ trợ của hệ thống DSA hiện đại và các dụng cụ chuyên dụng, đơn vị đã nút tắc thành công ổ dị dạng mạch máu ruột non gây xuất huyết. Sau can thiệp, bệnh nhân tiếp tục được chăm sóc hậu phẫu tại khoa nội tổng hợp và xuất viện trong tình trạng ổn định.

Thành công từ những trường hợp cấp cứu nặng như vậy cho thấy Bệnh viện Trường đại học Y - Dược Huế đã xây dựng và vận hành một quy trình chẩn đoán, can thiệp, điều trị hỗ trợ, chăm sóc hậu phẫu hoàn chỉnh, đồng bộ gồm nhiều chuyên khoa cùng tham gia như cấp cứu đa khoa, nội khoa, nội soi tiêu hóa, ngoại khoa, chẩn đoán hình ảnh và can thiệp, huyết học truyền máu, gây mê hồi sức. Hiện nay, bệnh viện đã và đang thực hiện nhiều kỹ thuật can thiệp chuyên sâu trên nhiều lĩnh vực như điều trị ung bướu, can thiệp bệnh lý mạch máu ngoại biên, huyết khối tĩnh mạch, xơ gan tăng áp cửa, gan mật, tiết niệu, chấn thương, chảy máu tiêu hóa…

Mô hình "Trường - Viện" khi mang tầm khu vực Đông Nam Á là cơ hội, điều kiện lớn để Trường đại học Y - Dược, ĐHH hợp tác đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo nguồn lực y tế chất lượng cao, không chỉ trong nước mà cả khu vực Đông Nam Á và nhiều nước trên thế giới.

(còn nữa)

Bài: Hoàng Triều

Ảnh: Trường đại học Y - Dược Huế