Lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng Đại học Huế tại lễ khai giảng năm học mới

Từng bước trưởng thành

Gắn bó lâu năm với ngôi trường có bề dày truyền thống gần 70 năm, PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học, ĐHH từng trải qua thời gian dài khó khăn đủ bề. Trăn trở của thầy Tùng và nhà trường là trong khi nhu cầu sinh viên theo học tại trường ngày càng lớn thì cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, đào tạo ngày càng xuống cấp, lạc hậu. Trải qua những năm tháng thăng trầm, cùng với các đơn vị thành viên, thuộc, trực thuộc ĐHH, nhà trường từng bước khắc phục khó khăn, đưa Trường đại học Khoa học, ĐHH ngày càng trưởng thành, xứng tầm với ngôi trường có bề dày truyền thống giáo dục trên đất Cố đô.

 Đại học Huế khen thưởng cán bộ, giảng viên có thành tích xuất sắc trong công tác

PGS.TS. Võ Thanh Tùng chia sẻ, với sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo nhà trường và hỗ trợ của ĐHH, nhiều năm trở lại đây Trường đại học Khoa học, ĐHH được đầu tư nâng cao nâng chất lượng toàn diện từ các khoa đến các ngành học. Trường lớp, trang thiết bị dần được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp và hiện đại, đặc biệt là đào tạo nâng cấp trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, từng bước đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của trường và ĐHH nói chung. Phần lớn đội ngũ cán bộ, giảng viên của nhà trường đều có học hàm, học vị GS, PGS, TS.

PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc ĐHH thông tin, ĐHH đang duy trì các ngành đào tạo khoa học cơ bản, những ngành chiếm 30% số ngành đào tạo cho đất nước để làm nền tảng phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ. Những ngành này đang được đào tạo tại Trường đại học Khoa học, ĐHH và đã trở thành những ngành học có truyền thống ở Huế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp giáo dục chung của nước nhà. Với gần 70 năm xây dựng và phát triển, Trường đại học Khoa học, ĐHH được đánh giá là một trung tâm khoa học cơ bản thứ ba của cả nước. Điều này như là một sự ghi nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo và ngành giáo dục nói chung về những thành tựu quan trọng của Trường đại học Khoa học, ĐHH trước yêu cầu cùng với ĐHH phấn đấu trở thành Đại học Quốc gia.

Hiện nay, Trường đại học Sư phạm, ĐHH cũng đang cho thấy sự chuyển mình rất nhanh chóng trước yêu cầu hướng đến cơ sở giáo dục chất lượng cao của cả nước. Minh chứng điều này là nhà trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá là một trong ba trung tâm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục uy tín hàng đầu của đất nước. TS. Lê Hồ Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm, ĐHH cho rằng, trong khi các trường đại học sư phạm trên cả nước đã và đang đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực thì riêng Trường đại học Sư phạm, ĐHH chuyên đào tạo giáo viên với 23 ngành khác nhau, như: Khoa học tự nhiên, xã hội và nhân văn, âm nhạc, giáo dục quốc phòng và an ninh, giáo dục chính trị, giáo dục kinh tế và pháp luật. Đây là điều đáng tự hào đối với ngôi trường có bề dày truyền thống đào tạo đại học ngành sư phạm trên đất Huế trước yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.

 Đại học Huế trao giải cuộc thi robocon năm 2024

Không chỉ đa dạng, phong phú các ngành học trong các cơ sở đào tạo của ĐHH mà trong số năm đại học Quốc gia và đại học vùng cả nước, chỉ ĐHH có các ngành đào tạo về nghệ thuật tại Trường đại học Nghệ thuật. Đây là nơi đã và đang đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân cho đất nước nói chung, miền Trung - Tây Nguyên nói riêng với đầy đủ các ngành thuộc lĩnh vực âm nhạc, mỹ thuật, gắn liền với giá trị di sản, Quần thể di tích Cố đô Huế. ĐHH còn là đại học duy nhất ở Việt Nam đã và đang đào tạo nhóm ngành du lịch ở các bậc học đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cho phát triển du lịch của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh nền kinh tế du lịch và du lịch công nghiệp, du lịch điện tử...

PGS.TS. Lê Anh Phương khẳng định, nhiều cựu sinh viên và học viên của ĐHH đã thành đạt trên nhiều lĩnh vực, hiện nắm giữ các vị trí quan trọng cho sự phát triển chung của khu vực, tăng uy tín và niềm tự hào của ĐHH. Trong đó, có một số cựu sinh viên, học viên thành đạt, giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp cao của các bộ, ban, ngành Trung ương và đứng đầu tổ chức Đảng, chính quyền địa phương các cấp.

Đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao

Thời điểm năm 1996, ĐHH chỉ có 60 ngành đào tạo đại học, 30 chuyên ngành đào tạo cao học, quy mô đào tạo hàng chục ngàn sinh viên, học viên. Sau chặng đường 30 năm trưởng thành và phát triển, đến năm 2024, ĐHH có đến 142 ngành đào tạo đại học, 88 ngành đào tạo thạc sĩ và 53 ngành đào tạo tiến sĩ, 63 chuyên ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa I và II, 12 ngành đào tạo bác sĩ nội trú. Quy mô đào tạo năm 2024 đạt 54.175 sinh viên, 4.148 học viên cao học, 602 nghiên cứu sinh. Những con số này không chỉ phản ánh năng lực đào tạo mạnh mẽ của ĐHH, mà còn cho thấy tầm ảnh hưởng quan trọng của ĐHH trong việc đào tạo, phát triển và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước.

Thứ hạng ĐHH trên các bảng xếp hạng thế giới có sự chuyển biến mạnh mẽ, luôn có thứ hạng khá cao trên các bảng xếp hạng đại học. Với xếp hạng QS Asia, ĐHH liên tục có mặt trong top các trường đại học châu Á (top 350 các kỳ xếp hạng năm 2016, 2017; top 400 năm 2018; top 450 năm 2019, 2020; top 400 năm 2021, 2022 và top 351 năm 2023, 2024). Thứ hạng trên Webometrics có xu hướng tăng dần qua từng năm. Năm 2023 và 2024, ĐHH là 1 trong 6 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam được xếp trong bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới với vị trí 1501+.

PGS.TS. Lê Anh Phương chia sẻ, những thành tựu của ĐHH trong quá trình xây dựng và phát triển luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt, cũng như có những quyết sách rất xứng đáng với vị thế của ĐHH trong hệ thống giáo dục của đất nước. Sau 10 năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị, tại Nghị quyết 54 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương phát triển ĐHH thành Đại học Quốc gia. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 83 để cụ thể hóa Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị bằng kế hoạch hành động cụ thể. Tại Nghị quyết số 26 năm 2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị một lần nữa khẳng định chủ trương phát triển ĐHH thành Đại học Quốc gia.

Theo công bố xếp hạng đại học thế giới theo các lĩnh vực khoa học năm 2024 của THE, trong số 11 lĩnh vực, ĐHH được xếp hạng ở 4 lĩnh vực gồm lâm sàng và sức khỏe - vị trí 801-1.000, kỹ thuật - vị trí 1.001+, khoa học sự sống - vị trí 1.001+ và khoa học vật lý - vị trí 1.001+, tăng 3 lĩnh vực so với THE năm 2023. Đặc biệt, trong lần đầu tiên được xếp hạng ở lĩnh vực lâm sàng và sức khỏe, ĐHH có được thứ hạng chính thức 801-1.000...
Hoàng Triều