FAO nhấn mạnh nhu cầu đầu tư nhiều hơn vào Chuyển đổi Xanh trong đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Ảnh minh họa: Tuoitre.vn |
FAO lưu ý rằng, việc tăng đầu tư vào Chuyển đổi Xanh chỉ để có thể đảm bảo đến năm 2050, mức tiêu thụ thực phẩm từ thủy sản vẫn được duy trì ở mức hiện tại. Tuy nhiên, với dự báo dân số thế giới sẽ tăng lên 9,7 tỷ người vào thời điểm đó, nguồn cung thủy sản toàn cầu sẽ cần phải tăng 22%.
Ngoài ra, tỷ lệ tiêu thụ và tăng trưởng dân số trong tương lai cũng rất khác nhau giữa các khu vực. Ví dụ, để đưa mức tiêu thụ thực phẩm thủy sản của người dân ở châu Phi lên mức trung bình toàn cầu hiện nay là 20,7kg/người vào năm 2050, sẽ cần tăng 285% nguồn cung đối với loại thực phẩm này.
Đầu tư và chuyển đổi
Theo nhà kinh tế trưởng của FAO Maximo Torero, “những con số này phản ánh nghiêm túc những thách thức đang diễn ra trong việc nuôi sống thế giới, đòi hỏi phải đầu tư và có sự chuyển đổi lớn trong lĩnh vực này”. Ông cũng nhấn mạnh đây là cốt lõi trong lời kêu gọi của FAO về việc đầu tư vào Chuyển đổi Xanh, vì một thế giới mà “thực phẩm thủy sản đóng vai trò quan trọng và có tác động lớn hơn trong việc chấm dứt nạn đói nghèo”.
Trước đó, báo cáo về Tình hình Đánh bắt và Nuôi trồng thủy sản thế giới (SOFIA) 2024 chỉ ra rằng, sự đóng góp của thực phẩm thủy sản vào an ninh lương thực và dinh dưỡng toàn cầu đang tiếp tục tăng, trong đó nuôi trồng thủy sản có tiềm năng đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn đối với thực phẩm thủy sản trên toàn cầu.
Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng của FAO nhấn mạnh rằng, mặc dù nuôi trồng thủy sản đóng vai trò ngày càng lớn, nhưng nghề cá đánh bắt trên biển vẫn có vị trí quan trọng đối với thực phẩm, sinh kế và phát triển bền vững.
Đồng thời, tính bền vững luôn là mối quan tâm đáng kể. Năm 2021, ước tính 62,3% trữ lượng cá biển được khai thác ở mức bền vững về mặt sinh học - giảm 2,3% so với đánh giá 2 năm trước, nhấn mạnh nhu cầu phải quản lý hiệu quả tất cả các nguồn cá.
Quan trọng đối với sinh kế
Nhà kinh tế trưởng Torero nhấn mạnh rằng, sản xuất thủy sản không chỉ quan trọng đối với an ninh lương thực và dinh dưỡng mà còn đối với việc cung cấp sinh kế, thương mại và phát triển bền vững.
Được biết, ngành này sử dụng trực tiếp 62 triệu lao động, trong đó hơn 90% là các hoạt động đánh bắt cá quy mô nhỏ. Tính cả những người tham gia vào toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất thủy sản và những người phụ thuộc, ước tính có khoảng 600 triệu người phụ thuộc vào ngành này để kiếm sống, phần lớn là ở các nước đang phát triển.
Trong bối cảnh nhu cầu về thực phẩm thủy sản dự kiến sẽ tăng do phát triển kinh tế và gia tăng dân số, FAO nhấn mạnh cần phải đảm bảo tăng trưởng bền vững, công bằng và hướng đến nhu cầu an ninh lương thực và dinh dưỡng ở những nơi cấp bách nhất.