Các tấm pin năng lượng mặt trời tại một nhà máy điện mặt trời ở tiểu bang Maryland, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Cụ thể, báo cáo mới của IEA cung cấp bản kiểm kê toàn cầu đầu tiên về chính sách mà các quốc gia đang tận dụng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và cải thiện an ninh năng lượng.
Ấn bản đầu tiên của báo cáo “Tình hình chính sách năng lượng năm 2024” cung cấp bức tranh toàn cầu toàn diện và cập nhật nhất về các chính sách năng lượng theo quốc gia và lĩnh vực, qua đó nêu bật những thay đổi đáng kể nhất trong 12 tháng qua. Báo cáo bao gồm một kho lưu trữ công khai với hơn 5.000 chính sách liên quan đến năng lượng trên toàn thế giới.
Ấn bản này cho thấy, các chính phủ trên khắp thế giới đã dành gần 2 nghìn tỷ USD hỗ trợ đầu tư trực tiếp cho năng lượng sạch kể từ năm 2020. Con số này gần gấp 3 lần số tiền cam kết sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2008.
Các chính sách ưu đãi sản xuất trong nước dành cho năng lượng sạch là một lĩnh vực đầu tư công tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể, chiếm gần 10% tổng chi tiêu của chính phủ kể từ đầu thập kỷ này; trong đó, các loại xe phát thải thấp, hydrogen và pin nhận được khoản phân bổ lớn nhất, báo cáo phân tích.
Một số ví dụ nổi bật bao gồm Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ, Ưu đãi liên kết sản xuất của Ấn Độ, và Chương trình đổi mới sáng tạo và di chuyển xanh của Brazil; trong khi các quốc gia khác cũng đưa ra những chính sách và mục tiêu tương tự.
“Mức độ hỗ trợ chính sách và đầu tư chưa từng có dành cho năng lượng sạch là sự công nhận rằng, những công nghệ này không chỉ giúp giảm phát thải, mà còn giúp bảo vệ an ninh năng lượng”, bà Laura Cozzi, Giám đốc Phát triển bền vững, công nghệ và triển vọng của IEA nhận định.
“Sự gia tăng của các chính sách thương mại và các chính sách ưu đãi sản xuất trong nước cũng báo hiệu, năng lượng sạch đang trở thành trọng tâm trong các chính sách công nghiệp”, bà Laura Cozzi lưu ý.