Áp dụng phương tiện máy móc để giảm sức lao động trong sản xuất lúa hiện nay ở các xã NTM |
Bằng những chủ trương đúng đắn cùng cách làm sáng tạo, phù hợp, hầu hết các xã NTM ở Thừa Thiên Huế hiện đều đạt các tiêu chí đề ra, như hệ thống giao thông thôn xóm được bê tông, nhựa hóa; các trường học, trạm y tế đều được công nhận chuẩn quốc gia, đảm bảo tiêu chí “xanh - sạch - đẹp”; nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường; thiết chế, hạ tầng nông thôn xã đạt chuẩn.
Đáng nói, sau khi các xã hoàn thành chỉ tiêu NTM, Thừa Thiên Huế đã không dừng lại mà tiến xa hơn để đời sống người dân ngày một tốt đẹp hơn. Tỉnh luôn ưu tiên đầu tư, xây dựng các vùng quê trở thành nơi có nông nghiệp xanh, phát triển bền vững, hạ tầng kỹ thuật kết nối thuận lợi, nông dân ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất để giảm sức lao động, tăng năng suất, chất lượng nông sản và lợi nhuận.
Thừa Thiên Huế đang phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất có 34 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt tỷ lệ hơn 40% và 9 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu với tỷ lệ 11%; trong số này có nhiều xã, như Vinh Hưng (Phú Lộc); Quảng Thọ (Quảng Điền)… đang ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý, phát triển kinh tế - xã hội để trở thành xã NTM thông minh.
Mới đây thăm lại xã Quảng Thọ, cảm nhận đầu tiên đã nhìn thấy những vùng quê xanh đẹp và có nhiều mô hình để các tổ chức, đoàn công tác đến tham quan, học tập. Hiện, xã Quảng Thọ đã đầu tư phòng quản lý điều hành thông minh, 7 điểm phát wifi miễn phí ở 8 thôn; lắp đặt gần 20 camera an ninh (trong đó có 3 camera thông minh) để giám sát trên các trục chính tỉnh lộ, huyện lộ, liên thôn và các cơ quan, trường học với nhiệm vụ kết nối thông tin, dữ liệu, dịch vụ, hạ tầng toàn diện. Quảng Thọ cũng có hơn 800/1.950 hộ gia đình đã sử dụng việc thanh toán các dịch vụ qua thẻ ngân hàng, thay cho thanh toán bằng tiền mặt.
Nếu trước đây, hình ảnh về người nông dân ở Quảng Thọ quanh năm cặm cụi trên ruộng vườn để trồng trọt, chăm sóc cây trồng, thì nay nhiều nông dân đã thoát dần cảnh chân lấm, tay bùn nhờ ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Đơn cử như mô hình trồng rau má, hiện nay nhiều khâu đã được tự động hóa, ứng dụng công nghệ hiện đại đảm bảo chất lượng nông sản và dễ dàng tìm được thị trường khách hàng tiêu thụ thông qua các sàn thương mại điện tử.
Không chỉ Quảng Thọ, trên địa bàn tỉnh đã và đang có thêm những miền quê xanh, đẹp, "thông minh" tạo dấu ấn mới ở nông thôn. Tuy nhiên, để ngày càng hình thành nhiều làng quê xanh, sạch, đẹp, "thông minh" cần nhiều hơn nữa sự chung tay, đồng lòng, góp sức của chính quyền các cấp, người dân và doanh nghiệp.
Thừa Thiên Huế với nền móng vững chắc của nhiều năm xây dựng NTM và sẽ không dừng lại thì giấc mơ về những vùng quê xanh, đẹp, "thông minh" sẽ trở thành hiện thực không xa.