Cô Thảo - tiểu thương chợ Đông Ba tư vấn áo lưu niệm Huế cho du khách |
Trong hoạt động du lịch, các sản phẩm lưu niệm, hàng quà tặng cho du khách lâu nay đã dần bị lãng quên bởi sự thiếu thu hút trong mẫu mã và cả phương cách tổ chức bán. Các sản phẩm như những biểu tượng, mô hình, bức tranh liên quan đến địa phương hay đơn giản là những đồ vật có giá trị sử dụng như túi xách, mũ đội, móc khóa, hộp đựng, bình hoa ít hấp dẫn, khó sử dụng. Áo thun cũng là sản phẩm dễ mang, tính ứng dụng có thể xếp vào loại cao bậc nhất trong các sản phẩm lưu niệm. Nhưng cả thời gian dài, áo thun du lịch Huế không thu hút khách du lịch ở mọi lứa tuổi.
Thông thường, áo thun trắng in chữ Huế có in hình Kinh thành Huế, chùa Thiên Mụ, sông Hương, cầu Trường Tiền - những địa điểm du lịch nổi tiếng, đặc trưng ở Huế. Hai tháng gần đây, lượng áo bán ra tăng cao nhờ phong trào mang áo Huế làm áo đoàn, áo tập thể đến Huế du lịch. Cô Trần Thi Thảo (65 tuổi, tiểu thương chợ Đông Ba) vui mừng chia sẻ: “Cô bán ở đây từ năm 1994, quầy của cô bán rất nhiều loại áo quần, trang phục từ truyền thống đến phục vụ du lịch. Áo Huế này lâu nay không nhiều khách mua, chỉ bán lai rai 1-2 chiếc áo, bộ đồ con nít người ta mua về làm quà. Nhưng gần đây bán đắt hàng hẳn vì phong trào mang áo Huế theo trên mạng để chụp ảnh, quay video”.
Một chiếc áo thun trắng với giá là 30.000 đồng, in hình Huế vừa túi tiền, thích hợp mang tập thể vì màu sắc, họa tiết đơn giản nhưng ấn tượng. Cô Thảo kể rằng, có những đoàn du khách đến hàng cô, mua 20-30 cái để cả đoàn mang đi tham quan trong những ngày tới ở Huế. Còn với Ngọc Hoàng (21 tuổi, Hà Nội), ghé quầy hàng cô Thảo lựa mua chiếc áo này về làm quà cho những người bạn của mình. “Gần đây lướt tiktok, thấy trend các nhóm bạn mang áo Huế đến check-in các địa điểm ở Huế, mình thực sự rất thích thú và ấn tượng. Do lần này tình cờ ghé Huế ít ngày nên mình không thể “bắt trend”. Do đó, mình quyết tâm quay lại Huế cùng với nhóm bạn của mình để “đu” bằng được trend này. Mình đã mua được 5 chiếc mang về Hà Nội làm quà cho các bạn mình cũng như để chuẩn bị cho chuyến đi Huế sắp đến của nhóm”.
Theo Hoàng, giá thành một chiếc áo Huế là rất rẻ so với những loại áo khác in tên địa danh. Tuy chất liệu vải còn mỏng nhẹ, họa tiết đặc biệt nhưng vẽ chưa sắc nét, form chữ in lên cũng chưa quá nổi bật nhưng với giá thành này và là loại áo phục mang du lịch, làm quà kỷ niệm thì đã hợp lý.
Chiếc áo lưu niệm Huế dần trở lại, gần gũi thị trường người mua, đặc biệt là du khách tứ phương đến Huế là dấu ấn chuyển mình cho một sản phẩm lưu niệm gắn liền với du lịch Huế. Đó không chỉ là tín hiệu đáng mừng cho một chiếc áo lưu niệm Huế bấy lâu nay, mà còn là điểm sáng trong kinh doanh, quảng bá sản phẩm lưu niệm, hàng quà tặng của một thành phố du lịch như Huế.
Hy vọng, những sản phẩm lưu niệm của Huế đã “bắt được sóng” của du khách như chiếc áo lưu niệm in chữ Huế và các biểu trưng du lịch của Huế sẽ được chăm chút, đầu tư hơn về chất lượng của chất liệu và mẫu mã. Có vậy, giá trị của sản phẩm sẽ bền vững hơn so với vòng đời của một xu hướng, trào lưu nào đó.