Điểm trà của họa sĩ Nguyễn Thượng Hiền |
Từ “Tuyệt tình cốc”
Trước hết là góc vườn tranh của ba anh em họa sĩ Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thượng Hải, Nguyễn Thượng Hỷ, “quê quán” ở “Tuyệt tình cốc” trong Thành Nội Huế. Họa sĩ Nguyễn Thượng Hiền góp 5 bức tranh giấy dán, chất liệu hiếm thấy hiện nay. Vườn Huế trong tranh anh có cả vườn của hoàng gia và vườn của dân gian.
Tranh “Cung nữ” phảng phất không gian vườn cung đình với những loan phượng, hồ sen và mũi hài thuyền. “Lạc viên” có người con gái mặc chiếc áo lục y giữa khu vườn phủ đệ với những hồ liên trì, bóng khói, những ô cửa bát giác, những bóng rồng, bóng chim… như trong cổ tích. Những khu vườn dân dã trong tranh anh thoáng nét tinh nghịch. “Hoa khiết bông” (nói lái là hoa không biết) rộn rã trên tay trẻ con. “Sen đầu mùa” trinh nguyên như dáng tinh khôi thiếu nữ áo trắng. “Điểm trà” là một không gian khác. Người phụ nữ uống trà một mình bên con suối, bên kia là đồi nương với những dải hoa lục màu nhấp nhô giữa nền trời. Mái tóc dài bay về phía sau với đôi mắt khép hờ làm cho buổi điểm trà như thêm một lần gác lại dĩ vãng.
Tranh của họa sĩ Nguyễn Thượng Hải phảng phất một màu tím chủ đạo. “Huế trong mùa Phật đản” vẽ bảy đóa sen trên sông Hương xanh ngắt, phía xa là chiếc cầu Bạch Hổ in sắc trắng lên dãy núi Kim Phụng tím ngát. “Hương đồng nội” thể hiện thiếu nữ xõa tóc lưng trần trên triền cỏ lau mềm mại nở ngang thắt lưng. Một dải cỏ xanh màu mực đã làm lạ hóa cảnh sắc ảo mộng, và mây bời bời trên đầu như một giấc mơ đang trôi...
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ góp vui cho khu vườn với 7 tác phẩm. “Sen” là những đóa sen hồng, nở như đang trong một vũ điệu, những cánh sen và cả lá sen đang múa, mặt nước hồ cũng lung linh. Sen ấy như có điệu ngộ của dân gian, như có ý thiền của nhà Phật, trong động có tĩnh, trong tĩnh có động. Tính chất ấy cũng như khu vườn Huế vừa tĩnh vừa động giữa ngập tràn hoa lá trong “Vườn thiêng”. Từ sự tĩnh – động đó, nhận ra vườn Huế là một tập đại thành cỏ cây, như một tô canh rau tập tàng mộc mạc mà cũng rất ý nhị, kiêu sa. “Vườn thiêng” tràn ngập sắc tím nhưng không hề kém bay bướm bởi sắc xanh của lá, tia vàng của nhụy hoa, của lá vàng rơi, của nắng tươi trong chiều và cả của màu mực xanh học trò một thời sách vở. Đó là những trừu tượng của khu vườn gió nhẹ và chuyển động dâng đầy trong mắt nhớ.
Những góc vườn Huế khác
Nữ họa sĩ Hoàng Thị Như Ý đem đến cuộc “dạo chơi” những hình ảnh rất khác, tươi tắn, đầy dấu ấn với những cụm hoa rực rỡ. Những thủy tiên, tuy líp, địa lan… đua nhau nở trên các tấm toan, để rồi từ đó tràn ra vườn Huế. Những cụm hoa ấy kể về “Rực rỡ mùa xuân”, về không gian “Mùa thu đã về” trong vườn xưa… Điều thú vị nữa là những chiếc bình cắm hoa đa số có màu đỏ tươi, như khát vọng muốn ôm chứa trọn vẹn cái đẹp của chủ nhân vườn Huế…
Họa sĩ Võ Như Diệu (Quảng Nam) với những nét tài hoa cẩn mật lại đem đến cho cuộc dạo chơi một Huế qua những nét cọ kỹ hà kiêu sa. Đó là “Dáng xưa” với dáng cô gái ảo mờ trong câu thơ Hàn Mặc Tử: “Áo em trắng quá nhìn không ra”. Là “Bất chợt mưa” với những bóng hình mang nón trong cơn mưa nhòe hiển hiện sắc tím Huế, những tia hoa lửa của mùa hè, mặt đường loang loáng nước ẩm mục giờ khắc. Là “Bến xưa” rực đỏ những ký ức luôn cháy bỏng khó phai.
Họa sĩ Phan Tiến Dũng (Đà Nẵng) mang đến những tiềm thức mẹ trong các tranh. “Ngọn đèn của mẹ” thể hiện trong khu vườn có một người mẹ bế con, nhìn ánh sáng trăng bên ngoài cửa sổ, là đang chờ đợi người chồng, người cha trở về nhà trong đêm trăng thanh vắng. Ngọn đèn trong khu vườn tỏa ra cùng với bóng cây, chiếc lá, như là di dáng của ký ức đầy yêu thương. Niềm yêu thương của mẹ chợt rộn rã khi đến “Quà của mẹ”. Là niềm vui khi con trẻ chờ mẹ đi chợ về và có quà trong tay...
Cuối cùng chúng ta sẽ gặp họa sĩ Đặng Mậu Tựu quá đỗi tài hoa. “Nắng trong vườn” rực rỡ sắc màu, có sắc đỏ ối của nhiệt độ 40 độ trong đợt nắng nóng cao trào mùa hạ vừa qua, có cái am thờ trên ngõ vào nhà. “Mình mãi có nhau” là một trừu tượng quấn quýt lửa hạ. Màu đỏ của hồi ức và khát vọng bao trùm lên nhân tượng và má ấm trong vườn. “Chở xuân qua phố” là khúc siêu thực cặp đôi đèo nhau trên chiếc xe hai bánh đi giữa vườn xuân, náo nức và tinh nghịch của tuổi trẻ. Rồi cuối cùng là “Về lại ngắm khung trời nhà mình”, người thiếu nữ thả mình trong khu vườn sau chuyến phiêu du, ngắm mây bay trên trời. Như là ý niệm: không đâu bằng quê hương…
“Dạo chơi vườn Huế” nhờ vậy, sẽ đem đến cho công chúng những cảm xúc trùng trùng như lá và hoa trong vườn Huế.