V.I. Lê-nin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Moskva trong Lễ kỷ niệm một năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, ngày 7/11/1918. Ảnh: Tư liệu |
Lênin đã có những cống hiến xuất sắc trong phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng; phát triển lý luận kinh tế chính trị học mácxít trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa; phát triển lý luận về xây dựng Đảng vô sản kiểu mới, về sự chuyển tiếp cách mạng từ dân tộc dân chủ nhân dân lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, lý luận về nhà nước và cách mạng xã hội chủ nghĩa, vai trò của liên minh công - nông - trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội... Minh chứng thành công rõ nét nhất của tư tưởng Lênin là sự thành công của Cách mạng tháng Mười Nga, khai sinh ra nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo. Trong quá trình lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhiều vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn cũng đã được Lênin giải quyết đúng đắn và sáng tạo mà Chính sách kinh tế mới (NEP) là một trong những chỉ dẫn xuất chúng của Người trên cơ sở phát triển chủ nghĩa Mác vào điều kiện cụ thể của nước Nga.
Đối với thế giới, tư tưởng Lênin là ánh sáng soi đường cho phong trào đấu tranh ở các nước thuộc địa châu Á, châu Phi, châu Mỹ - La tinh. Chìm đắm trong đêm dài nô lệ, nhân dân các nước thuộc địa bị áp bức đã thức tỉnh mạnh mẽ trước tiếng sấm vang rền của Cách mạng tháng Mười. Họ đã tìm thấy ở cuộc cách mạng một tấm gương đấu tranh, một con đường giải phóng cho dân tộc. Sau Cách mạng tháng Mười Nga, một làn sóng đấu tranh mạnh mẽ đã dấy lên sôi nổi ở các nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ - La tinh; đã giải phóng hàng trăm triệu người khỏi xiềng xích nô lệ, tạo thành một phong trào giải phóng dân tộc mạnh mẽ trên toàn cầu, làm chấn động hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.
Đối với Việt Nam, tư tưởng của Lênin gắn liền với những thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Trải qua bao năm dài đọa đày đau khổ từ cuối thế kỷ XIX, các cuộc nổi dậy của nhân dân ta đều bị dìm trong biển máu, chỉ vì “chưa có đường lối chính trị đúng đắn”. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thanh niên yêu nước nồng nàn, với ý chí tìm đường cứu nước đã tiếp thu và vận dụng sáng tạo rất thành công những tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin và những kinh nghiệm từ Cách mạng tháng Mười vào hoàn cảnh thực tiễn ở nước ta. Sau khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa (1920) của V.I.Lênin, Người đã viết: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta! Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tin theo V.I.Lênin, tin theo Cách mạng tháng Mười Nga và lựa chọn con đường cách mạng vô sản bởi từ trong hành trình tìm đường cứu nước, nghiên cứu thực tiễn chính trị và tư tưởng lý luận hàng chục năm ở nhiều nước trên thế giới, Người nhận thấy “cách mạng” có nhiều, “chủ nghĩa”, “học thuyết” cũng có nhiều nhưng chỉ có Cách mạng tháng Mười Nga là thành công “đến nơi” và chủ nghĩa Lênin là “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất”. Chỉ có đi theo con đường Cách mạng tháng Mười và theo chủ nghĩa Mác - Lênin mới có thể giải đáp được những yêu cầu khách quan của lịch sử dân tộc, đó là độc lập cho dân tộc và ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Từ đó, Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” và “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.
Trên cơ sở vận dụng những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời gắn liền với vai trò sáng lập và lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với đường lối cách mạng khoa học và sáng tạo, Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy và phát huy sức mạnh khối đoàn kết toàn dân tộc, đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp phát triển đất nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Tuy nhiên, như Lê nin đã dạy: “Giành chính quyền đã khó nhưng giữ chính quyền lại càng khó khăn”, “Cách mạng phải biết tự bảo vệ và có sức mạnh để bảo vệ”. Biến cố xảy ra ở Liên Xô và Đông Âu vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước chính là bài học vô giá đối với cách mạng Việt Nam nói riêng và cách mạng trên thế giới nói chung. Cách mạng là một sự nghiệp cam go, phức tạp, trải qua nhiều giai đoạn, thậm chí có lúc tạm thời thất bại nhưng điều đó không có nghĩa là chủ nghĩa xã hội bị “tiêu vong”, giai cấp công nhân “mất vai trò lịch sử” mà trái lại, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội vẫn tiếp tục phát triển và sức sống của nó vẫn không hề bị lu mờ.
Đúc rút những bài học thành công và nhận rõ những khuyết điểm, sai lầm trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo và đang kiên định, kiên trì tiến hành những bước đi vững chắc trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Từ thực tiễn công cuộc đổi mới, Đảng ta đã không ngừng bổ sung, hoàn thiện nhận thức, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Trên cơ sở đó, đã đề ra các chủ trương về hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tập trung đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người; giải quyết các vấn đề xã hội; bảo vệ tài nguyên môi trường; xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; phát huy tinh thần yêu nước, khát vọng phát triển, kết hợp sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc với sức mạnh thời đại; kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước đi đôi với giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.
Từ kết quả thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đánh giá: “Đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế như ngày nay”. Từ một nước nghèo, có cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, trình độ thấp, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, thuộc nhóm quốc gia có mức thu nhập trung bình. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Văn hóa, xã hội, con người phát triển toàn diện; đời sống vật chất và tinh thần của mọi người dân được cải thiện. Chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền được giữ vững; vị thế, uy tín và hình ảnh của đất nước ta ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Những thành tựu rất đáng tự hào đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo của Đảng và Nhân dân ta. Điều này tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, lý luận dẫn dắt dân tộc vững vàng đẩy mạnh công cuộc đổi mới; là nền tảng để Đảng ta tiếp tục phát triển hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, hoàn thiện đường lối xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Kỷ niệm 154 năm Ngày sinh của V.I.Lênin là dịp để chúng ta tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến vĩ đại của Người đối với giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Đây cũng là dịp chúng ta tiếp tục nghiên cứu nhằm hiểu rõ hơn trí tuệ, bản lĩnh, nhân cách của V.I.Lênin trong việc bảo vệ, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực ở nước Nga Xô-viết; để hiểu sâu sắc hơn những bài học kinh nghiệm trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới. Từ đó, có thêm bản lĩnh kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới; có quyết tâm và khát vọng vượt qua mọi khó khăn, thử thách đưa nước ta trở thành một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
UVTV - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy