Vaccine giúp phòng bệnh ung thư cổ tử cung. Ảnh minh họa: iStock/vtv.vn

Đây là diễn đàn toàn cầu đầu tiên dành riêng cho nỗ lực chống lại căn bệnh này. Diễn đàn nhằm mục đích thúc đẩy các chính phủ, nhà tài trợ, xã hội dân sự và các tổ chức khác cam kết loại bỏ ung thư cổ tử cung và khuyến khích cộng đồng toàn cầu.

Trong một tuyên bố chung, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Bill và Melinda Gates, và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho biết, khoản tài trợ này sẽ hướng tới việc mở rộng khả năng tiếp cận vaccine, sàng lọc và điều trị trên toàn thế giới.

Theo đó, WB sẽ cam kết 400 triệu USD trong 3 năm, 180 triệu USD từ Quỹ Bill và Melinda Gates, và 10 triệu USD từ UNICEF.

Được biết, cứ khoảng mỗi 2 phút lại có 1 phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung, khoảng 90% trong số đó sống ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nơi mà việc tiếp cận các loại vaccine phòng ngừa, cũng như việc sàng lọc và điều trị có thể rất hạn chế.

Điều này trái ngược với nhiều quốc gia có thu nhập cao, nơi đã triển khai vaccine vào những năm 2000. Vaccine này bảo vệ chống lại virus papillomavirus ở người (HPV), nguyên nhân gây ra hầu hết các bệnh ung thư cổ tử cung trên toàn thế giới.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho hay: “Chúng tôi có kiến thức và công cụ để loại bỏ ung thư cổ tử cung”, nhưng các chương trình “vẫn chưa đạt được quy mô cần thiết”.

Cũng theo người đứng đầu WHO, diễn đàn được tổ chức tại thành phố Cartagena de Indias mang đến cơ hội để thay đổi điều này, khi các chính phủ và các đối tác y tế toàn cầu cam kết hợp tác cùng nhau để chấm dứt căn bệnh này.

Các quốc gia tham gia tại diễn đàn, chẳng hạn như Cộng hòa Dân chủ Congo cho biết, họ sẽ bắt đầu triển khai loại vaccine này càng sớm càng tốt.

Theo WHO, trên toàn cầu, ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ tư ở phụ nữ, với khoảng 660.000 ca mắc mới được ghi nhận trong năm 2022. Tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do ung thư cổ tử cung cao nhất ở châu Phi cận Sahara, Trung Mỹ và Đông Nam Á. Sự khác biệt giữa các khu vực về gánh nặng ung thư cổ tử cung có liên quan đến sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ tiêm chủng, sàng lọc và điều trị, những yếu tố nguy cơ bao gồm tỷ lệ nhiễm HIV và các yếu tố quyết định về kinh tế và xã hội như giới tính, thành kiến về giới và nghèo đói.

Vào ngày 17/11/2020, chiến lược toàn cầu về loại bỏ ung thư cổ tử cung của WHO đã được đưa ra, trong đó vạch ra một lộ trình rõ ràng để loại bỏ căn bệnh này thông qua tiêm chủng, sàng lọc và điều trị.

THANH NGÂN

(Lược dịch từ Reuters & WHO)