Rác sinh hoạt trước khi nhập vào nhà máy điện rác Phú Sơn được cân, có hệ thống camera giám sát |
Hiện tại, nhà máy đốt rác - phát điện Phú Sơn tiếp nhận rác thải thu gom các địa bàn, TP. Huế, TX. Hương Thủy, Hương Trà; các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông và Khu công nghiệp (KCN) Phú Bài… bình quân 600 tấn/ngày, cao điểm như dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua đã tiếp nhận xử lý trên 700 tấn/ngày và cung cấp nguồn điện xanh 240.000 Kwh/ngày.
So với nhiều địa phương, công nghệ xử lý của nhà máy nói trên không mới nhưng việc có mặt đầu tiên ở Huế của nó là một dấu mốc, góp phần bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm tái chế theo hướng công nghiệp xanh, tạo việc làm cho lao động địa phương là đáng khích lệ. “Nhà máy đã đáp ứng tiêu chuẩn của Việt Nam về xử lý chất thải, phù hợp với quy hoạch các khu xử lý chất thải của tỉnh Thừa Thiên Huế là điều chúng tôi quan tâm” - đại diện lãnh đạo nhà máy đốt rác - phát điện Phú Sơn chia sẻ.
“Biến rác thành tiền” như nhà máy đốt rác - phát điện Phú Sơn là xu hướng tất yếu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai. Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có dư địa đầy tiềm năng để phát triển lĩnh vực này. Theo thống kê, chỉ tính riêng ở địa bàn TP. Huế, chưa kể các huyện thị lận cận và các KCN, TTCN, làng nghề, mỗi ngày rác thải phát sinh gần 700 tấn các loại. Phần lớn lượng rác sinh hoạt trên địa bàn được thu gom, xử lý đảm bảo quy chuẩn hợp vệ sinh nhưng vẫn chủ yếu bằng chôn lấp tại các khu vực ở Thủy Phương (TX. Hương Thủy); Hương Phú (Nam Đông); Hồng Thượng (A Lưới); Quảng Lợi (Quảng Điền), Phong Thu (Phong Điền). Chính phương thức thu gom, xử lý chôn lấp này đã bộc lộ những hạn chế, tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người.
Theo một chuyên gia môi trường địa phương, để thực sự có thể “biến rác thải thành tiền” cần tiến hành các giải pháp tổng thể. Trước hết, Thừa Thiên Huế cần có "Bản đồ quy hoạch điểm xử lý rác thải" phù hợp Quy hoạch quản lý chất thải rắn của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Khuyến khích, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, kêu gọi nhà đầu tư tham gia vào công tác thu gom và vận chuyển RTSH phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội địa phương và xu thế của các nước tiên tiến trên thế giới; đồng thời tăng cường triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức về vấn đề phân loại rác tại nguồn.
Về giải pháp công nghệ trong việc xử lý RTSH nếu các điểm, đơn vị có công suất 50-200 tấn/ngày, nên áp dụng công nghệ đốt và tái chế theo nguyên tắc tái chế, tái sử dụng tối đa lượng rác hữu ích có thể phân loại. Thành phần không thể tái sử dụng sẽ được đốt trong lò đốt công nghệ cao để tiêu hủy, giảm ô nhiễm. Đối với các điểm xử lý có công suất từ 200 tấn/ngày trở lên, nên áp dụng công nghệ đốt, tái chế và phát điện. “Để một Nhà máy xử lý rác thải thành công rất cần đến sự đồng hành, chung tay của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp” - chuyên gia này nói.